Tiểu thuyết mới nhất này của Trần Nhã Thụy là một câu chuyện buồn mang chất bi kịch với những suy nghĩ nội tâm đầy triết lý. Tuy nhiên, khác với cái bi kịch tăm tối trong Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Haruki Murakami hay cái giày vò giằng xé của T mất tích của nhà văn Thuận, Sự trở lại của vết xước buồn nhưng không bi thảm, u uẩn nhưng tránh được tuyệt vọng. Hình ảnh đứa bé con trai của nhà văn – nhân vật chính vừa góp một chút vào cái nỗi buồn chung của tác phẩm lại vừa là đốm sáng của hy vọng ngay trong những đoạn u ám nhất khi cái chết của người bạn đẩy nhà văn đến chỗ mất hết hy vọng vào cuộc sống.
……Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu “Cơ thể chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ” và người đọc tin vào điều đó khi lần qua từng trang nặng nề, buồn thảm, nhưng cuốn tiểu thuyết đã kết thúc với những giòng lạc quan:” …. Chúng ta chưa bị một bệnh tật gì đáng kể…. như có phép lạ….có lẽ chúng ta đã được thừa hưởng gene tốt”. Người đọc cũng có thể tin vào điều này. Nhưng thật ra, có thể nói, nhân vật của chúng ta đã tự giải độc bằng chính sức mạnh tinh thần của mình. Một nhân vật như thế xứng đáng được đọc và tìm hiểu. Đó là chưa nói tới “cái cơ địa” độc đáo kỳ lạ của anh. Tại sao những vết xước xuất hiện đột ngột trên ngực anh? Đó là nỗi đau âm thầm từ bên trong từng xuất lộ ra mỗi khi có những biến cố trong tâm hồn một đứa nhỏ, một chàng trai và bây giờ đột ngột trở lại như một nỗi đau quá lớn? Là hậu quả của sự dị ứng văn minh? Hay là hậu quả của sự vật lộn không cân sức với cuộc sống?
Thật lạ lùng và thú vị là cuốn tiểu thuyết đã khép lại với nhiều câu hỏi như thế. (Nhà văn-dịch giả Mai Sơn)
Mời bạn đón đọc.
Đọc Sự trở lại của vết xước: Ám ảnh những nỗi đau cá nhân |
Ngày 22/08/2007 |
NXB Văn Nghệ TPHCM vừa giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn trẻ Trần Nhã Thụy với nhan đề khá lạ Sự trở lại của vết xước. Một lần nữa, qua ngòi bút của nhà văn, một thế giới u uẩn của nỗi đau cá nhân lại tái hiện. |
Toàn bộ các nhân vật trong cuốn truyện mới nhất này của Trần Nhã Thụy không có tên riêng, họ chỉ có những cái tên miêu tả công việc của mình như nhà văn, người bảo vệ, người câu cá hay bác sĩ thú y…
Nội dung chính của truyện khá quen thuộc, một anh nhà văn trẻ từ vùng quê lên thành phố kiếm sống, anh có gia đình và một công việc tương đối ổn định. Câu chuyện mở đầu nhẹ nhàng với những tâm sự về cuộc sống giữa một thành phố sôi động cùng đủ những mặt hỉ nộ ái ố của nó. Xuyên suốt truyện có một câu nói “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”.
Nếu đoạn đầu, câu nói đó thuần túy mang nghĩa đen miêu tả việc ăn uống giữa thành phố đầy những món ăn bị nhiễm độc do hoạt động công nghiệp và nhu cầu lợi nhuận của người bán thì với việc biến mất của người vợ, câu nói trên lại biến thành một nghĩa khác. Ở đây, Trần Nhã Thụy có lẽ đã phần nào chịu ảnh hưởng một chút từ nhà văn Nhật Haruki Murakami hay nhà văn Thuận, những người cũng có nhân vật người vợ biến mất một cách bí hiểm.
Sự giống nhau còn ở chỗ việc biến mất của người vợ trong Sự trở lại của vết xước trở thành một tâm điểm cho quá trình biến đổi của nhân vật chính. Từ những đau đáu trong cuộc sống hiện thực đến những dằn vặt của tinh thần trước một bi kịch cá nhân, sự thay đổi trong suy nghĩ đã kéo theo những biến đổi trong cái nhìn của anh về cuộc sống của những người bạn xung quanh.
Tiểu thuyết mới nhất này của Trần Nhã Thụy là một câu chuyện buồn mang chất bi kịch với những suy nghĩ nội tâm đầy triết lý. Tuy nhiên, khác với cái bi kịch tăm tối trong Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Haruki Murakami hay cái giày vò giằng xé của T mất tích của nhà văn Thuận, Sự trở lại của vết xước buồn nhưng không bi thảm, u uẩn nhưng tránh được tuyệt vọng. Hình ảnh đứa bé con trai của nhà văn – nhân vật chính vừa góp một chút vào cái nỗi buồn chung của tác phẩm lại vừa là đốm sáng của hy vọng ngay trong những đoạn u ám nhất khi cái chết của người bạn đẩy nhà văn đến chỗ mất hết hy vọng vào cuộc sống.
Với Sự trở lại của vết xước, Trần Nhã Thụy đã khẳng định được tài năng của mình trong việc miêu tả nỗi đau, miêu tả sự dằn vặt. Từ nhân vật chính đến các nhân vật nhỏ nhoi chỉ xuất hiện thoáng qua đều có một khoảng lặng để bạn đọc cảm nhận được cuộc đời sướng khổ của họ. Thế nhưng, đồng thời ở đây đã xuất hiện cái khuyết của tác giả.
Các nỗi đau cá nhân rất thật nhưng lại tách rời khỏi hiện thực xã hội. Cái xã hội mà nhà văn – nhân vật chính sống được miêu tả rất mờ nhạt và chỉ như một chút gia vị cho thêm vào các nỗi đau cá nhân. Mà một tác phẩm muốn tạo sự rung động cho độc giả lại đòi hỏi hơn thế. Cái bi kịch cá nhân muốn nhận được sự rung cảm của người đọc phải điển hình cho bi kịch của số đông, trong một hiện thực xã hội ngồn ngộn mà nhân vật đang bơi lặn trong đó.
Ở góc độ một tiểu thuyết tâm lý xã hội, Sự trở lại của vết xước có thể xem là một sự lên tay đầy thành công của Trần Nhã Thụy. Qua tác phẩm trên, bạn đọc có thể đặt niềm tin ở các tác phẩm sau này của anh…
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ngày 25/08/2007
Sự trở lại của vết xước
Vết xước. Vết xước nào? Vết xước tâm linh không lý giải thuở ấu thơ như ông nội mù mà hiển hiện rõ ràng chú bướm vàng bay trong tầm mắt? Hay vết xước khi lăn lộn trong ổ rơm, xem người đàn bà “làm đĩ” tắm dưới trăng trong tiếng nước giếng dội ào ào trôi những ngày mới lớn? Hay vết xước băn khoăn về sự mất tích kỳ dị của người vợ trẻ bỏ lại đứa con thơ mười tháng chín ngày tuổi, cái vết xước phi lý hằn lên từ các số phận bị bỏ rơi trong cuộc hiện sinh.
“Không được làm người buồn rầu”, câu chuyện nói thế, trong tất cả sự thật được phơi trần từ chốn văn chương hội hè náo nhiệt đến góc khuất của một cơ sở mát-xa, trong sự đàng điếm mang tính thời thượng nuôi vợ bé của tay trọc phú đến cái hành động “ông già nhà quê trật quần ra đái” nơi một góc bấp bênh sự thiếu thốn tính dục và cả tình cảm của con người đô thị. Giọng văn vẫn một mực chầm chậm như một người đi dạo công viên buổi chiều, nhìn ngắm toàn bộ cái thế giới đô thị nhỏ bé, chậm nhưng hóm hỉnh, cái cười đôi khi chua chát và cay nghiệt.
“Cơ thể chúng ta đang nhiễm độc từ từ”, nhân vật nhà văn trẻ nói như thế. Cái nhiễm độc không phải đến từ bữa ăn tối và mấy chai bia hơi tầm bậy mà nhân vật ấy ăn và uống cạnh nơi tập trung bãi rác. Cũng chẳng phải đến từ một hay nhiều những báo động thời sự về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường tràn đầy trên các báo mà tác giả mang vào trang sách. Sự nhiễm độc trong tiểu thuyết đến từ từng suy nghĩ, mỗi hít thở, mỗi nỗ lực vùng vẫy thoát khỏi đám đông và sự trơn tuột của thời đại. Sự nhiễm độc đến từ nụ cười bẩn thỉu và lời lạm bàn về quần lót của anh chàng nhà báo trẻ trong góc quán cà phê sang trọng. Nó cũng đến từ các chiếc vớ màu xanh rêu công an mà người ta mua ở vỉa hè rồi cố tình mặc quần ống ngắn cho mọi người lầm tưởng và kiêng dè. Nó đến từ cái vị giám đốc luôn cười sung sướng khi được bảo vệ công ty đứng chào như chào vị tướng lĩnh. Hình như mỗi cử động của môi, mắt, tay, lưỡi… của chính chúng ta hay của người khác đều có khả năng là thứ gây nhiễm độc cho thế giới này. Thứ độc có khả năng đẩy chúng ta vào một hình thái, một thời khắc xã hội không còn sự biểu đạt hồn nhiên, không còn tình cảm, không có cả sến lẫn sang, chỉ có mưu mô chảy trong mỗi hành động phát huy độc tính.
Không nhân vật nào trong tiểu thuyết có tên cả, chỉ là những ký hiệu, “nhà văn trẻ”, “người bảo vệ”, “người đi câu”, “lão giữ xe”, “bóng rổ”… trong một thế giới đang nhiễm độc, để tự vệ (hay để giải độc) người ta giấu đi danh tính (hay người ta đang mất dần danh tính?). Có thể chọn một mối quan tâm nằm bên ngoài các độc tính đó? Mê ruộng đồng, ngủ trên xe, yêu vội vàng, mê không gian thoáng đãng sạch sẽ, quan sát và mỉm cười… Mỗi nhân vật chọn một cách thức giải độc khác nhau, trong sự mù mờ rằng rất có thể sự giải độc của người này là độc tính của người kia. Nhưng dù sao cũng là một cách đề kháng lại thế giới ngày càng ngộp thở dù đó là cái chết (người bảo vệ) hay vết xước (nhà văn trẻ), đọc để tìm thấy sự đề kháng của mình. Như nhà văn trẻ nói cuối tiểu thuyết “những vết xước thỉnh thoảng cũng trở lại… Không có gì mới… Chúng ta cứ thế mà sống thôi. Rồi sẽ qua”.
Vương Thuấn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn