Có hay không cuộc chiến giữa Người và Máy trong thế giới chúng ta đang sống?
Máy móc, công nghệ có giải quyết hết các vấn đề thuộc về nhân tính, đạo lý, công bằng?
Đời sống chúng ta đang bị đóng khung trên màn hình những chiếc điện thoại thông minh?
Sống Trong Thời Viễn Tưởng? – Chuyện Người Và Máy là cuốn sách được tác giả Nguyễn Vạn Phú viết trong gần 5 năm, tiếp nối cuốn Vàng và hai cô gái, với ý hướng xuyên suốt là giải toàn cầu hóa, thấu đáo chỉ ra những bất ổn, phi lý, có phần hoang dã trong xã hội lệ thuộc, sùng bái công nghệ máy móc và thông tin mà chúng ta đang sống cuồng quay.
Mọi hoạt động của con người ngày nay đang bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, đặc biệt là những lời thuyết giảng về công nghệ 4.0 đang là “mốt”. Nhưng, cũng như những thứ “mốt” chóng vánh trong kỷ nguyên truyền thông, máy móc công nghệ có thực sự đem lại cứu cánh hạnh phúc cho xã hội loài người, hay chỉ là những cuộc theo đuổi bất tận về kỹ nghệ, phương tiện với tư duy hãnh tiến mù quáng?
Những nghịch lý từ hiện tượng thị trường tiền ảo, taxi Uber, Grab, xe điện cho đến lối sống ảo, báo chí, giáo dục, ứng xử văn hóa trong xã hội công nghệ được tác giả phân tích thấu đáo, có ý nghĩa phản tỉnh mạnh mẽ.
Nhiều bài viết của ông có độ thuyết phục cao bởi sự am tường, cẩn trọng và quan điểm độc lập trong một bối cảnh thông tin, dư luận đa chiều, ứng xử truyền thông đầy phân hóa và phức tạp.
“Ngày xưa, mọi truyện khoa học viễn tưởng đều giả định xã hội đồng nhất, ai cũng tiếp cận máy móc như nhau. Còn ngày nay, bên cạnh những người thừa hưởng hay chịu đựng các tiến bộ công nghệ mới nhất vẫn còn một tỷ lệ rất lớn nhân loại đứng ngoài rìa, ngày càng tụt lại đằng sau. Ở đó, sự mù quáng sẽ thổi bùng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tô đậm lòng tham, sự thù hận… những điều mà không máy móc nào giải quyết được.” – Tác giả Nguyễn Vạn Phú viết.
Cuốn sách này không chỉ giúp chúng ta nhận ra những tác động của công nghệ, kỷ nguyên số đến cuộc sống của ta ra sao, mà còn có thể giúp chúng ta tư duy lại về xã hội công nghệ để xây dựng một cuộc sống cân bằng và nhân văn hơn.
Mời bạn đón đọc.