Những cơn đau khỏi phải nói, đến nỗi cơ thể gần như không còn sức, đưa muỗng cơm lên miệng cũng cần đến cả hai tay, bước một bước cũng phải có người dìu… Thế mà, trong đau đớn, trong chờ đợi một phép mầu cho cơ thể trở lại bình thường, Bích Lan đã thực hiện xong 23 bản dịch văn học, trong đó Triệu phú khu ổ chuột đã được giải thưởng văn học về dịch thuật năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam. Và bây giờ là tập truyện và thơ Sống trong chờ đợi.
Điều đáng nói ở đây, một tập truyện – thơ đã thật sự đem lại cho bạn đọc bao suy ngẫm về cảm xúc, không phải chỉ về những gì mà ý chí và nghị lực của con người có thể thực hiện trong một hoàn cảnh khắc nghiệt; mà vì một thế giới nhân sinh quanh ta hôm nay, với bao cạnh góc, bao hòa sắc, bao nhịp điệu mà phương tiện văn chương có thể thực hiện được.
Tôi nói một thế giới nhân sinh, với chiều sâu và tầm bao quát rất ấn tượng mà Bích Lan đã có thể thực hiện trong cuốn sách chỉ với 13 truyện ngắn và 25 bài thơ, bài viết ngắn này tôi chỉ xin được nói riêng về truyện. Tôi nói một thế giới, bởi gần như không có hạn chế nào cho sự bao quát những mặt quan trọng của cuộc sống mà một người chỉ gắn với máy tính như Bích Lan đã có thể thực hiện. Chiến tranh, đối với một cây bút sinh năm 1976, sự tàn nhẫn và khủng khiếp của nó vẫn cứ là một hiển hiện bằng xương bằng thịt như vừa mới xảy ra, qua cảm nhận của mấy đứa trẻ trong Người cha điếc. Những đứa trẻ từ đây mất cha, nhưng vẫn còn vương đâu đó một cánh tay của ông để chúng mong một ngày không bom mà đi tìm. Người trong bão – một truyện loại "người tốt việc tốt" quá quen thuộc trong nhiều chục năm trước đây, và bỗng rất hiếm hoi, hoặc gần như là không có ở thời hôm nay, một gương mẫu về lương tâm và tinh thần trách nhiệm ở một người đang mang án tử vì u não… Và, Cơn bão Trung Đông – đó là sự tái sinh của những kiếp Chí Phèo trong những mưu sinh có biên độ quốc tế của thời hiện đại… Tôi có cảm tưởng với Bích Lan, không có giới hạn thời gian và không gian trong những chu chuyển của dòng đời.
Và, ám ảnh của những thân phận – đó mới là điều đáng nói cho một cây bút viết truyện – trước hết là thân phận của giới nữ như trong Con gái, Sông vắng, Ám ảnh… Biết bao là xót xa, thương cảm trong các "phép tính" của một "phận gái" (lại nhớ Hồ Xuân Hương) để cho thấy – lần xuất ngoại thứ nhất, làm Ôsin ở Đài Loan, với tài sản gửi về, đủ cho em trai thành con nghiện; lần thứ hai, chưa đủ cho nó cai nghiện; và lần thứ ba, khi cô quyết định ở hẳn xứ người, để cho bố mẹ sinh thêm một cặp em mới, đủ bộ trai và gái… Xót xa thay cho những phép tính của đứa con gái hiếu thảo thời nay! Còn trong Sông vắng, đó là những kiếp phụ nữ không đàn ông để làm chồng và để làm cha, nơi một bãi sông vắng, với cảnh quang hiu hắt, hoang dã, vào một thời văn minh, vì có "mô bai", có các nhà nhiếp ảnh và những dự án giúp người nghèo… Một dự án nhân đạo chắc có thể thực hiện được – nhờ vào tấm ảnh về mấy đứa trẻ không cha; nhưng là ở một chỗ khác chứ không phải ở bãi sông vắng này; còn nguyện vọng tìm cha cho mấy sinh linh ở đây thì hẳn còn lâu, hoặc chẳng thể nào thực hiện được… Rồi Ám ảnh – đó là truyện về "một con người đã từ lâu trở thành kẻ không ai biết, không ai cần và không ai quan tâm".
Phần thưởng, Vườn chuối, Sống trong chờ đợi, Hy vọng, Giấc mộng… đều là những truyện ngắn hay. Cập nhật hiện thực ở những tâm điểm dữ dằn, gai góc nhất; lại vẫn có độ lùi để nhìn rộng một bối cảnh có đường viền của thời đại, cây bút Bích Lan, ở bất cứ truyện nào trong tập này cũng là người không xa cách với thời cuộc, thời sự. Mỗi truyện ở đây đều cho ta một biểu tượng rất gắn bó giữa văn và thời, văn và người – chuyện muôn thuở, nhưng vẫn không bao giờ mất đi ý nghĩa thời sự.
Sống trong chờ đợi – đó là sản phẩm của Bích Lan, người không cần đến bất cứ một ưu tiên hoặc chiếu cố nào của hoàn cảnh; và cũng là sản phẩm của thời hôm nay, với tất cả những may mắn và cơ duyên đặt ra cho nó.
GS Phong Lê
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn