Tác giả cuốn sách, Phúc Tiến, là một người Sài Gòn sinh ra và lớn lên ở xóm bình dân Bàn Cờ, Quận 3. Thuở trung học, anh đậu vào trường Petrus Ký, cái nôi giáo dục nổi tiếng của Sài Gòn và miền Nam từ xưa cho đến giờ. Duyên bút mực đã đưa anh đến khoa Sử và rồi nghề báo. Anh may mắn khi ở tuổi ba mươi, khá muộn so với ngày nay nhưng hiếm có ở thời chúng tôi, được học bổng đi học nước ngoài tại Đại học Oxford – Anh quốc. Làm báo gần hai mươi năm, anh mở công ty du học và trường dạy Anh văn, tiếp tục rong ruổi đi Đông đi Tây. Có lẽ vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi Phúc Tiến hoàn thành quyển sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua. Ngòi bút của anh cho dù không phải hoạt động “full-time” nữa vẫn không bị lụt đi mà còn sắc sảo hơn nhờ bề dày kinh nghiệm sống và những chuyến đi xa gần.
Hơn nửa thế kỷ sống trên đất Sài Gòn, tình yêu thành phố này của một người Sài Gòn càng lúc càng tha thiết nhưng tỉnh táo, công bằng. Anh xót xa khi “ôn cố” về lịch sử phát triển một thành phố không thua sút những đô thị khác quanh vùng Đông Nam Á. Anh lo lắng khi “tri tân”, hình dung ra đường đi đầy sức phá hủy của mãnh lực đồng tiền càn quét lên các kiến trúc cổ trên những khu đất vàng, đất kim cương. Anh tỉ mỉ góp nhặt những dấu ấn của cái tên Sài Gòn qua những chuyến đi khắp thế giới. Anh ôn lại những câu chuyện suốt chặng đường dài làm báo, về những con người thú vị và yêu tha thiết thành phố này như anh.
Những câu chuyện mà anh kể về họ khiến tôi cảm động. Đó là nghiên cứu sinh Tiến sĩ lịch sử người Pháp Philippe Peycam, từ năm 1995 – khi cơn gió phát triển kinh tế đang bắt đầu thổi mạnh – đã gửi thư tới Kiến trúc sư trưởng thành phố, tha thiết đề nghị giữ lại một số công trình tiêu biểu của thành phố. Là thầy giáo về hưu Trần Văn Bỉnh ở Châu Đốc, một người dân Lục tỉnh, đã chắt chiu giữ gìn cuốn sách ảnh về Sài Gòn xưa của Z.Crespi, như là một chứng tích của lòng trân trọng hình ảnh thành phố. Là câu chuyện của Câu lạc bộ Sài Gòn Đẹp gồm những người trung niên mà Phúc Tiến là một thành viên, chia sẻ tư liệu và những điều tâm đắc về các giá trị vĩnh hằng của vùng đất này. Họ đã thử lập danh sách 100 kiến trúc tiêu biểu của thành phố và có ý định làm một bộ phim 3D so sánh kiến trúc Sài Gòn hiện nay và quá khứ… Tiếc thay, Câu lạc bộ Sài Gòn Đẹp đã tạm ngưng hoạt động.
Thế hệ đầu 6X ở Sài Gòn, trong đó có Phúc Tiến, chính là thế hệ chứng nhân cuối cùng của cuộc sống Sài Gòn trước ngày đất nước thống nhất. Đó là một thế hệ vẫn còn lưu giữ trọn vẹn ký ức về một đô thị thời chiến của những năm trước 1975. Họ chứng kiến dân số phát triển tăng vọt từ các cuộc di dân và có cơ hội tiếp cận những thiết chế mới mẻ trong thời đoạn ngắn ngủi nhưng có không ít thành tựu. Từ chuyện buôn bán làm ăn với siêu thị Nguyễn Du, trung tâm thương mại tổng hợp Saigon Departo, cho đến một không khí văn chương và báo chí sôi nổi đa dạng, một nền giáo dục lấy chủ trương khai phóng và “xã hội hóa” mạnh mẽ làm cốt lõi…
Đó cũng là thế hệ nhanh nhạy và hăm hở với công cuộc “đổi mới” của đất nước đầu thập niên 1990, khi bước vào tuổi ba mươi hừng hực sức sống. Họ tích lũy được phần nào kinh nghiệm làm việc sau khi rời ghế giảng đường. Họ dồn sức học ngoại ngữ, đọc sách báo nước ngoài và háo hức tìm đường học hỏi tinh hoa thế giới ở mọi lĩnh vực. Họ không mặc cảm về quá khứ và cũng không tự mãn vê những thành tích đã qua. Họ là thế hệ bản lề, hiểu nhiều về quá khứ để rút tỉa được những bài học kinh nghiệm và vẫn đang có vai trò xây dựng cho xã hội tương lai.
Có những cuốn sách khi đọc xong khiến ta suy nghĩ nhiều, và có điều gì đó khiên lòng nặng trĩu. Cuốn sách của Phúc Tiến mang đến cho tôi cảm giác như vậy. Anh viết tỉnh táo, không quá nặng xúc cảm. Nhưng những vấn đề anh đặt ra khiến người đọc, những ai gắn bó với thành phố này, thấy mênh mang trong lòng bao suy tưởng, mong mỏi, băn khoăn và hy vọng. Trên tất cả, đó là thêm nặng một tình yêu với Sài Gòn.
– Nhà báo Phạm Công Luận
Mời bạn đón đọc.