Xem sách hay

Rừng thiêng nước trong

Mua ở đâu?
Trần Văn Tuấn

Trần Văn Tuấn

Trần Văn Tuấn trong Rừng thiêng nước trong có một cách kể chuyện rất độc đáo. Qua tiếng nói của gỗ, của một cơn gió, của sông trong rừng, của một ngọn núi, của tiếng chim, ta nghe được nhiều điều về một thời mưa bom bão đạn trong rừng già và cuộc sống của những con người trẻ tuổi.


Rừng Thiêng Nước Trong

Nhà văn Trần Văn Tuấn

Gã tiều phu vượt biển

(Ngày 20/10/2007)

Từ ngày 7 đến 13-10-2007, nhà văn Trần Văn Tuấn sang Bangkok (Thái Lan) nhận Giải thưởng Văn học ASEAN 2007 với tác phẩm “Rừng thiêng nước trong”. Như vậy là cùng với các nhà thơ, nhà văn như Tố Hữu, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Inrasara… nhà văn Trần Văn Tuấn là đại diện cho giới văn học Việt Nam nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Nhân dịp này, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ nhà văn Trần Văn Tuấn về chuyện đời và chuyện văn.

Nhà văn Trần Văn Tuấn trong sảnh đường lễ trao giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ngày 12-10-2007) ở Bangkok (Thái Lan).

Nếu ai có điều kiện làm việc, trò chuyện với Trần Văn Tuấn, những người tò mò dễ có thắc mắc và hoài nghi. Thắc mắc là bởi cái hờ hững, ít vồn vã một cách khách khí xã giao; hoài nghi bởi với bề bộn công việc quản lý hàng ngày, anh lấy đâu ra thời gian để viết nhiều như thế.

Dáng người hơi… cũ (nói như các cụ già), ăn nói bỗ bã, vội vàng, không thích đám đông bù khú… Trần Văn Tuấn lúc nào cũng vội vã, nhưng lại thong thả… Nghĩa là ở con người này hấp lực nằm tiềm ẩn phía trong, sâu xa. Con người như “cây gỗ khô” dãi dầu qua bão dông, mưa nắng khắc nghiệt chỉ còn lại cái cốt lõi của một biểu tượng về sức sống tiềm ẩn.

Miệng rộng, tóc dày, hay nhìn đi chỗ khác khi nói chuyện… ta có cảm giác anh đang rượt đuổi theo những ý nghĩ riêng. Vâng, phàm một người bận rộn…thường có những điểm đáng yêu và đáng… ghét. Vậy đó!

Trần Văn Tuấn là nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa. Anh sống nhiều, đi nhiều hơn và làm việc cũng hăng say hơn. Cái nhìn của anh hồi này đỡ lạnh hơn và cái bắt tay của anh cũng nồng ấm hơn. Chỉ tính trong mấy năm trở lại đây, Trần Văn Tuấn có thật nhiều niềm vui trong công việc. Nhận nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh đoạt giải A văn học Hội Nhà văn Việt Nam; được bầu làm Trưởng Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM; và đoạt giải thưởng Văn học ASEAN 2007.

Trần Văn Tuấn thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc chiến tranh và công cuộc hòa bình dựng xây, đổi mới. Đây là thế hệ nhà văn Việt Nam đăïc biệt có nhiều thách thức. Và cùng với thế hệ mình, Trần Văn Tuấn trụ vững, tự khẳng định và thành tài.

Còn nhớ những năm cuối của cuộc chiến tranh. Trong một đêm mưa rừng chiến khu Sài Gòn – Gia Định (T4, Y Tư). Tôi nằm chung võng với nhà văn Lê Điệp nói chuyện về con gái, nhà báo Khả Minh nói to với nhà nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương rằng: “Này, tôi thấy mình nên bồi dưỡng cánh lính chiến. Trần Văn Tuấn được lắm đấy!”. Lê Điệp gởi tôi tập thơ chép tay “Hoa mơ” của Trần Văn Tuấn bảo về B5 (Đài Phát thanh Giải Phóng) chọn bài giới thiệu trên làn sóng. Chính “Mèo hoang” – biệt danh của Thanh Thảo và “Tép nhảy” – biệt danh Lê Điệp đã đến căn cứ đóng quân tìm Tuấn. Đi xe đạp nghiêng người, vậy mà Tuấn lội khắp rừng miền Đông Nam bộ sống, chiến đấu và lầm lũi đến với văn chương. Cuối năm 1975, Tuấn về Tuần báo Văn Nghệâ Giải Phóng (sau đó sáp nhập với Tuần báo Văn Nghệ trung ương) được ít lâu lại cùng Văn Lê và đồng đội khác tái ngũ ra chiến trường trong chiến tranh biên giới.

“Hoa mơ” là tập thơ của Trần Văn Tuấn làm chúng tôi nhớ lâu. Đặc biệt là chất hiện đại của thơ văn xuôi và chất truyền thống của thơ lục bát. Nếu Tuấn còn làm thơ, chắc chắc bạn đọc sẽ có nhiều bài thơ hay. Nhưng Tuấn biết cách …nhường và chọn cho mình một sở trường. Anh lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, lặng lẽ cho ra đời những sáng tác mà khiến chúng ta chóng mặt. Trong khoảng 30 năm, từ 1978 đến 2007, Trần Văn Tuấn đều đặn cho ra đời trên dưới 30 tập sách gồm truyện dài, truyện ngắn và tiểu thuyết.

Nhiều truyện của anh đã được dựng thành phim. Cách nay khoảng 10, 15 năm giới văn chương Sài Gòn hay bàn chuyện về “Tam Tuấn nhà văn” là nói về sức viết của 3 nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn và Trần Văn Tuấn. Gần đây, người ta lại bàn chuyện về “Tứ văn đại gia” sáng tác không mệt mỏi là Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Khắc Phục và Trần Văn Tuấn. Mỗi người một vẻ, ở các nhà văn ấy có một điều đáng quý, họ sống có trách nhiệm với tác phẩm của mình.

Hỏi “Tác phẩm nào anh thích nhất?”, nhà văn Trần Văn Tuấn bộc bạch:

– Nói nghiêm túc thì tôi thấy có mấy cái đọc được. Ví dụ như “Ngõ hẻm bên cầu” về đời sống dân nghèo đô thị; “Ngày thứ bảy u ám” về chống tiêu cực, tham nhũng, một quan niệm về quá khứ, về lịch sử; “Ngày không giờ” rồi “Chồng hờ”… Ngoài ra còn có “Đường đời vất vả”, “Rừng thiêng nước trong” và mới đây là “Đại gia tỉnh lẻ”.

– Có nhận xét rằng, chính truyện ngắn mới là sở trường của Trần Văn Tuấn?

– Tôi thích viết truyện ngắn và hình như là truyện ngắn thích hợp với tôi và thời đại.

Ai đó từng cho rằng “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Đúng thôi! Nhưng liên tưởng hoặc nhớ tới, thì vẫn là quyền của người đọc. Trò chuyện với Tuấn, đọc Tuấn, chúng tôi bỗng nhớ tới Goethe và Schiller, 2 nhà văn lớn của Đức. Goethe thì khỏi bàn, nhưng Schiller thì có nhiều người cho rằng nhân vật của ông này “là những cái loa” phát ngôn cho những tư tưởng của ông. Nghĩa là ở một phạm vi học thuật, Schiller không chú trọng xây dựng hình tượng nhân vật như chính cuộc sống vốn có của nó là những biểu tượng cho những tư tưởng chủ đề mà Schiller muốn gởi gắm và thể hiện. Nhưng Schiller vẫn vĩ đại.

Do nhiều lý do, không thể không nói tới trách nhiệm công dân của nhà văn của thời đại mình, Trần Văn Tuấn dù có khắc họa những điển hình hình tượng nhân vật, khiến ta nhớ như Hai Lu, Hai Bé trong “Rừng thiêng nước trong”, hay như cô Chót trong “Người gò mả”… thì những kiểu nhân vật không tên mới là vấn đề mà Trần Văn Tuấn muốn thể hiện. Như trên có nói, nhắc đến Trần Văn Tuấn, người ta nghĩ ngay đến truyện và truyện ngắn Trần Văn Tuấn mới là cái đăïc sắc nhất. Bởi qua truyện ngắn, Trần Văn Tuấn thể hiện trọn vẹn và chắt lọc cái MÌNH – tức cái TÔI có bản lãnh và trách nhiệm. Văn Trần Văn Tuấn không thấy cái cá nhân vặt vãnh bức xúc… mà là cái TOÀN THỂ, KHÁI QUÁT, cái VẤN ĐỀ. Trần Văn Tuấn thành công về truyện ngắn do mấy nguyên nhân – Luận đề cho một truyện ngắn; Ý đồ cấu trúc một truyện ngắn; Tính hiện đại của tác phẩm nghệ thuật (khuôn khổ trang báo đăng truyện ngắn).

Và chính vì thế chúng tôi xem Trần Văn Tuấn là một nhà văn luận đề. Vấn đề còn lại là cái Tầm khi đã có cái Tâm!

Đọc Trần Văn Tuấn phải biết kiên trì và hơi… mệt. Anh cứ để con chữ đuổi bắt nhau nhưng anh lại bắt con chữ phải chuyên chở những luận đề mà anh gửi gắm. Đầy ắp và ngổn ngang. Có kết luận riêng và để người ta kết luận. Ngày xưa Vũ Trọng Phụng viết báo mà làm văn. Trần Văn Tuấn thì làm báo mà viết văn.

– Anh có thích các nhà văn Việt Nam?

– Cụ Nam Cao và ông Nguyễn Khải!

Có một lần, gập ghềnh trên con đường đá núi từ Ninh Bình, Hòa Bình về Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam quê nhà, Trần Văn Tuấn đọc “Tự truyện” những ngày đi kiếm củi trên rừng cùng các em Tú, Tịnh…, những ngày anh lang thang kiếm sống trên núi rừng và những ngày đóng quân trong rừng… Hóa ra Trần Văn Tuấn là một “Gã tiều phu vượt biển”. Và anh đã vượt biển thành công.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?