Ngân hàng Thương mại là loại định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế thị trường. Với các mặt hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, ngân hàng thương mại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trên Thị trường Tài chính. Chính nhờ sự tồn tại và hoạt động của các ngân hàng thương mại mà các nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội được tập trung lại, chuyển hóa thành vốn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình và cá nhân trong xã hội. Ngân hàng thương mại trở thành định chế tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển.
Hoạt động của ngân hàng thương mại là hoạt động có tính chất kinh doanh. Trong hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh tiền tệ ngân hàng nói riêng, đều đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức quản lý giỏi, để vừa hạn chế, ngăn ngừa rủi ro trong kinh doanh, vừa thu được lợi nhuận cao để không ngừng mở rộng, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam dần dần được mở cửa theo lộ trình đã được cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong điều kiện đó, vấn đề nghiên cứu và nâng cao hiệu quả Quản trị kinh doanh trong các ngân hàng thương mại có ý nghĩa rất quan trọng, không những đối với mỗi ngân hàng thương mại, mà còn có đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cuốn sách được biên soạn dựa trên yêu cầu học tập, nghiên cứu lĩnh vực quản trị kinh doanh trong ngân hàng thương mại. Với các nội dung phong phú, đi từ vấn đề tổng quan, đến các nội dung cụ thể trong Quản trị Ngân hàng như Quản trị nguồn Vốn, Quản trị Tài sản nợ, quản trị Tài sản có, quản trị Tài chính, Quản trị Rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Quản trị Nhân lực v.v Với những nội dung này, người học sẽ tiếp cận các nội dung quản trị ngân hàng, nắm bắt nội dung, phương pháp quản trị, nhằm đạt hiệu quả tối ưu
MỤC LỤC
Chương 1: Tổng quan về ngân hàng thương mại và quản trị ngân hàng thương mại hiện đại
Chương 2: Quản trị vốn tự có trong ngân hàng thương mại
Chương 3: Quản trị tài sản nợ trong ngân hàng thương mại
Chương 4: Quản trị tài sản có trong ngân hàng thương mại
Chương 5: Quản trị kết quả tài chính trong ngân hàng thương mại
Chương 6: Quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng
Chương 7: Quản trị tổ chức và bộ máy điều hành trong ngân hàng thương mại
Chương 8: Quản trị nguồn nhân lực trong ngân hàng thương mại
Mời bạn đón đọc.