Phùng Quán Còn Đây:
Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn mà cuộc đời và số phậ đã đi cùng với những mất còn bi tráng của một thế hệ dấn thân và của cả một thời đại hứng chịu thảm hoạ của chiến tranh, kể cả những khốc liệt không đến từ bom đạn. Có lẽ vì vậy mà đối với Phùng Quán, dù ông đã ra đi nhưng dường như ông vẫn còn đâu đây, vẫn gần gũi, vẫn sống chân thành đến tận cùng “yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét…”. Vẫn là một nhân cách, một tài năng được đặc biệt quý trọng và ngưỡng mộ nên càng ngày những người đọc ông, những người từng biết ông và bạn bè ông vẫn âm thầm viết về ông với nỗi xúc động trào lên từng con chữ. Đó không chỉ là những ký ức cay đắng về những ngày tháng cam go nhất mà nhà văn Phùng Quán chịu đựng và vượt qua, mà còn là cái tình cái nghĩa giữa những con người!
“Hôm nay tối thứ bảy. Đài truyền hình tường thuật lễ tang của anh. Một lễ tang trang trọng xứng đáng với một nghệ sĩ như anh. Một lễ tang mà nhiều người có tên tuổi trên đất nước này thèm muốn. Nhưng anh nằm đó, duỗi dài thư giãn trong áo quan, hoàn toàn nghỉ ngơi, hoàn toàn yên tĩnh. Đó là cuộc nghỉ ngơi độc nhất, cuộc nghỉ ngơi đầu tiên và cũng là cuộc nghỉ ngơi cuối cùng mà cuộc đời chiến sĩ và nghệ sĩ của anh lần đầu tiên được tận hưởng.
Từ khi tôi gặp anh, tôi chưa bao giờ thấy anh nghỉ ngơi. Anh giống hệt người nghệ sĩ mặt buồn Tây Ban Nha xưa. Cũng cao lênh khênh. Cũng gầy guộc gân guốc. Tôi đọc bài ca giữ nước trước khi tôi quen anh. Tôi có cảm tưởng đọc kịch của Béctôn Bret. Từng chữ từng câu đều nặng trĩu ý nghĩa giáo huấn đối với những ai đang giữ trọng trách cai quản đất nước và đánh chết tươi những quân bán nước hại dân, làm suy vong Tổ quốc. Và điều làm tôi khâm phục và kinh ngạc là những đòn chết lại được bọc kín trong tiếng cười của những hề chèo truyền thống. Tôi có cảm giác chính những kẻ bị đánh cũng bật cười ha hả trước khi nhận ra mình đang bị những đòn thập tử nhất sinh.
Tôi không rõ anh đối với bạn hữu khác như thế nào, nhưng đối với tôi, gia đình tôi, vợ tôi, các bạn hữu thân thiết của tôi và cả đứa con gái đầu lòng mới đầy tuổi của tôi, anh có một tình âu yếm thật dịu dàng, thật chất phác, giống hệt tình âu yếm của người chị gái già ở thôn quê đối với các em, các cháu ở chốn thị thành. Tình âu yếm đó anh giữ nguyên vẹn từ ngày đầu tiên anh đến nhà tôi cho đến lúc mấy ngày trước khi anh mất. Bao giờ đến chơi anh cũng móc trong túi áo ra khi thì mấy cái bánh khúc, khi thì nắm xôi xéo, hoặc một lát giò bò, đưa cho vợ tôi: cô nếm thử. Quà cho các cháu, bác mang từ quê ra đấy…”.
Mời bạn đón đọc.