Buổi tọa đàm sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) và có sự tham gia của chính tác giả cuốn sách – nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, dịch giả Cao Việt Dũng và nhà báo Nguyễn Chí Hoan.
Nội dung của cuốn sách "Phê bình văn học, con vật lưỡng thể ấy" là một lịch sử tư tưởng phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX. Coi văn học là một hệ thống bao gồm: tác giả – tác phẩm – người đọc, cuốn sách trình bày sự thay đổi của các hệ phương pháp xuất phát từ các lối tiếp cận từ tác giả, từ văn bản và từ người đọc, nhằm giúp độc giả thấy được sự vận động của phê bình văn học Việt Nam qua sự thay đổi hệ hình của nó. Ngoài ra, cuốn sách còn được sinh động hóa bằng các tùy bút chân dung của một số nhà phê bình văn học tiêu biểu của Việt Nam.
Đỗ Lai Thúy sinh năm 1948 tại Hà Tây, ông nghiên cứu, giới thiệu chủ yếu các chủ đề về các lý thuyết văn học, lý luận phê bình văn học, văn hóa của thế giới cho bạn đọc trong nước nhằm đổi mới Nghiên cứu văn học. Ông cũng đã sử dụng các công cụ này để xử lý các hiện tượng văn hóa, văn học, con người và các tác giả, tác phẩm Việt Nam, phát hiện thêm các giá trị nhân văn, thẩm mỹ…
Đỗ Lai Thúy cho rằng, "Nhìn văn hóa Việt Nam từ mẫu người văn hóa, tôi tránh được một cái nhìn tuyến tính của sử biên niên. Hơn nữa, lối tiếp cận này còn trình ra một cách hiểu khác về văn hóa. Văn hóa, tôi nghĩ, không chỉ là những gì bày ra trên mặt đất, mà, quan trọng hơn, còn là những trầm tích trong lòng đất. Và trong lòng người".
Thái Bình
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn