Từ nhỏ tôi đã rất mê truyện trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm và thường ước mơ về những nhân vật tài giỏi, thánh thiện trong đó. Càng lớn lên, tôi càng hiểu ước mơ của mình là phù phiếm trước áp lực học tập, làm việc kiếm tiền nuôi thân, giúp gia đình. Thế nhưng bản tính thích mơ mộng cứ đeo đẳng, thúc giục nên tôi không ngừng suy nghĩ, ấp ủ đề tài này.
Thế rồi đúng 30 năm sau ngày tốt nghiệp đại học (1988 – 2018), tôi mới in được cuốn tiểu thuyết hình sự đầu tay Mật danh Đ9. Đây là tác phẩm văn học được chuyển thể “ngược” từ bộ phim 38 tập, công chiếu trên nhiều kênh truyền hình và đã vinh dự nhận giải phim truyền hình được yêu thích nhất – (Giải Ngôi sao xanh 2017). Mật danh Đ9 là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa gồm nhiều phần với tổng số khoảng 2500 – 3000 trang sách in mà tôi tin rằng khi được xuất bản hết, sẽ là bộ tiểu thuyết hình sự đạt kỷ lục dày nhất Việt Nam. Tôi đã viết xong bộ tiểu thuyết này, hiện đang tìm đối tác để lần lượt xuất bản, giới thiệu sách đến bạn đọc. Tiểu thuyết Oán thù trớ trêu được hoàn thành sau cùng so với các phần trước của Hồ sơ lửa như: Gia tộc tướng cướp, Lật án tử hình, Vỏ bọc thần thánh, Làm đĩ triệu đô, v.v… nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong ước nó được ra mắt bạn đọc trước các “anh, chị” của nó. Tôi tin mỗi tác phẩm văn học cũng có số phận như con người, ra đời sớm hay muộn, được đón nhận thế nào, “thọ” được bao lâu trong lòng độc giả là bởi “cái duyên, cái quả” tạo hóa ban cho nó. Tác giả có quyền mơ ước, nhưng không thể đơn phương quyết định “ngày sinh, tháng đẻ” cho các “con” của mình. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ chỉ trong hai năm (2016 – 2017) vừa làm báo, vừa tham gia dự án phim truyền hình Hồ sơ lửa lại có thể viết xong 6 cuốn tiểu thuyết với khoảng trên dưới 3000 trang sách in như vậy. Ngoài quá trình lao động miệt mài, tôi luôn tin mình đã may mắn gặp nhiều “cơ duyên” nên mới có được “món quà trời cho” này.
Tiểu thuyết Oán thù trớ trêu bắt đầu từ những vụ án mạng liên quan đến Lý Nương – một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang nhưng bất hạnh. Số phận đã đưa đẩy Nương trôi dạt từ Bắc vào Nam, từ người vợ chung thủy thành kẻ ngoại tình; từ người Kinh thành người Chăm, từ người sống thành kẻ chết được lập mộ bia và từ oán thù chồng chất thành vị tha, độ lượng… Đội đặc nhiệm trong quá trình điều tra hàng loạt vụ giết người bí ẩn với hàng loạt nghi can đã dần tìm đến Nương và phát hiện ra vô số những điều kỳ lạ quanh nhân vật hư hư, thực thực, nửa người nửa ma này. Những cán bộ chỉ huy tài ba, những nam nữ trinh sát thông minh, quả cảm của đội đặc nhiệm dày thành tích phá án sẽ làm gì với Lý Nương thoắt ẩn, thoắt hiện trong hồ sơ các vụ án mạng? Nếu bạn đọc hết cuốn sách này sẽ có câu trả lời rất bất ngờ, thú vị… Xin cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến câu chuyện về Lý Nương – người phụ nữ tuổi Nhâm Dần (1962) được người Kinh và đồng bào Chăm cùng gọi là “Bà Cọp” hay “Muk Rimaong” này.
01.02.2018
LẠI VĂN LONG
Mời bạn đón đọc.