Văn Tham xuất thân từ một gia đình nghèo như bao gia đình khác ở làng Lầy; từ một anh du kích xã với trình độ lớp 4, rồi làm xã đội trưởng, chủ tịch xã nhưng không phải do tài năng mà bằng miệng lưỡi và đút lót. Lợi dụng chức quyền, vợ chồng hắn biển thủ của cải nhà nước làm của riêng. Trong một cơn bão lũ, hắn đã ra tay giết ông giáo Vị – một người từng tố cáo hắn về tội tham ô 5 tấn thóc của hợp tác xã. Đồng thời, khi ông giáo Vị chết đi, hắn có thể ép con gái ông giáo – cô Dâu lấy con trai hắn – Tự, một đứa con cầu tự, suốt ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc.
Vì thương cảnh nhà nghèo đói, xác xơ sau trận lụt Dâu đã chấp nhận lấy Tự, một người cô không yêu. Cô đành mang tiếng phụ bạc với người yêu – Vinh, chàng thanh niên học giỏi, đẹp trai đã lên đường nhập ngũ vào Nam. Đáng lẽ Vinh không có lệnh gọi nhập ngũ, vì Vinh thuộc diện ưu tiên: con liệt sĩ, có một mẹ già nhưng dưới sự sắp đặt của Văn Tham, Vinh đã thế chỗ con trai hắn. Dâu làm vợ Tự nhưng sống như một cái xác không hồn, cố gắng chịu đựng người chồng vũ phu.
Bé Hồng ra đời là niềm an ủi và là lẽ sống của Dâu. Song, sự bất nhẫn của gia đình bên chồng đã khiến: mẹ phải xa con, rơi vào Sài Gòn làm điếm, rồi con gái bị người ta hành hạ đến chết… Đau khổ chất chồng lên đôi vai cô gái trẻ, chưa tốt nghiệp trung học đã đi lấy chồng. Liệu cô có vượt qua được hay không? Có ai cứu vớt và đón nhận cuộc đời bé nhỏ kia? Và Vinh, anh có đủ can đảm để cùng người yêu “mãi mãi yêu nhau” như đã hứa?
Mời bạn đón đọc.