Nửa chừng xuân của nhà văn Khải Hưng là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của cô gái trẻ tên Mai. Mai không chỉ đẹp người mà còn rất thông minh, và còn là một người nữ có chính kiến, đặc biệt không hề ngại ngần chống đối lại những lề thói đạo đức cũ. Thông qua cuộc tình với Lộc, Mai thể hiện được một cách trọn vẹn nhân cách tốt đẹp của người phụ nữ và lý tưởng sống hướng đến tự do cá nhân. Và một lần nữa thông qua tác phẩm của mình, Khái Hưng muốn ca ngợi việc người phụ nữ biết đứng lên đấu tranh cho những quyền lợi của mình, ông cũng thực hiện được lý tưởng mà Tự lực văn đoàn hướng đến.
Nửa chừng xuân bao gồm có 3 phần, trong mỗi phần có những chương nhỏ có đặt tên cho mỗi chương. Phần thứ hai là phần chính nên có dung lượng lớn nhất gồm 8 chương.
Nửa chừng xuân là một trong những tác phẩm mà Sống (Thương hiệu sách Tác giả Việt) đặc biệt tuyển chọn để đưa vào Tủ sách Khuê Văn – tủ sách gồm những áng văn trác tuyệt được ví như những vì tinh tú trong nền văn học Việt Nam.
Lược trích:
+) Mai tì tay lên bạo cửa nhìn xuống con sông sâu thẳm, nước đỏ lờ lờ, điểm hạt mưa xuân lấm tấm. Chiếc buồm trắng con con xen lẫn vào bọn buồm nâu sắc thẫm, to bản, cột cao, rồi theo dòng nước, theo chiều gió trôi đi như lướt trong cảnh rộng bao la, mà biến vào đám xa mờ mịt. Mai thở dài lo sợ vẩn vơ cho số phận chiếc thuyền con, lại chạnh nghĩ vơ vẩn đến số phận mình…
Ngày xưa, cô học chữ Nho, thường thấy cụ tú làm những bài thơ Nôm có câu “chiếc bách giữa dòng”. Nay cô mới ở trước cái cảnh chiếc buồm con bạt gió, cô mới hiểu ý nghĩa sâu xa của câu thơ. Phải, cô cũng chỉ là một chiếc bách giữa dòng…”.
+) Nhưng mẹ anh… em đừng tưởng lầm, và nếu em biết mẹ anh thì em tất phải kính mến, vì mẹ anh là một người rất đáng quý trọng… song mớ lễ nghi đạo đức của Nho giáo chỉ thoáng qua tri thức, chứ đối với mẹ anh thì nó đã ăn sâu vào tâm não, đã hòa lẫn vào mạch máu, đã thành một cái di sản thiêng liêng về tinh thần bất vong bất diệt. Anh không nói quá đâu. Chính anh đây, đã chịu ảnh hưởng của học vấn, của tinh thần Âu tây ngay từ ngày còn nhỏ, thế mà nhiều khi anh vẫn thấy anh còn nhiều tư tưởng bị kiềm tỏa trong giới hạn của Nho giáo. Chẳng nói đâu xa, hiện giờ chỉ vì một chữ hiếu, mà anh không dám đường hoàng cùng em hưởng hạnh phúc ái tình. Vì phải theo lễ nghi, phải đặt chữ tình ở dưới chữ hiếu, tuy chữ tình, chữ hiếu nhiều khi ta chỉ hiểu lờ mờ, hoặc ta tự bắt buộc ta phải có hiếu…
+ Ba người lững thững trở lại nhà. Mai nhìn em, nhìn con, rồi đưa mắt ngắm cảnh đồi trùng trùng điệp điệp bao bọc những thung lũng lúa xanh, thấy trong lòng dìu dịu, êm ả như mặt hồ im sóng sau cơn gió mạnh: Hạnh phúc vẩn vơ như phảng phất quanh mình, như man mác trong bầu trời dưới ánh nắng vàng tươi một ngày mùa đông tốt đẹp.
Mời bạn đón đọc.