Thời ấy, nhà văn viết nhằm mục đích mưu sinh trước khi muốn gửi một "thông điệp" cao cả nào đó đến bạn đọc. Điều này khác hẳn với các nhà văn trẻ thời @. Bằng chứng, có những người xinh đẹp, giàu có, một bước lên xe hơi, nhưng vẫn viết văn. Với họ, viết chỉ để chơi. Chơi một cách sang trọng. Viết chỉ để giãi bày tâm sự, ghi lại cảm xúc của mình. Điều này, có thể thấy rất rõ trên các trang mạng xã hội. Và, không ít bài viết có chất lượng của họ đã được tuyển in thành sách.
Tác giả của Nỗi buồn thượng lưu (NXB Trẻ) – nhà văn trẻ Đoàn Tú Anh – đang là một chuyên viên PR, phát biểu không giấu giếm: "Đến giờ em tự thấy mình không làm gì tốt bằng nghề nghiệp hiện tại của mình, nên coi viết lách chỉ là chia sẻ cảm xúc và cảm nhận về cuộc sống quanh mình. Hy vọng sẽ có người cùng đồng cảm với những thứ be bé mà em viết ra…".
Cũng như tác phẩm trước là Những ngày bình yên, Đoàn Tú Anh vẫn cho thấy mình là một cây bút biết quan sát và có những cảm nhận thú vị, độc đáo về cuộc sống. "Đầu xuân, con đường trước công ty cô thắp một màu hồng dịu ngọt và yên ả. Những đoàn xe cứ kéo đến rồi đi với những cành trĩu hoa. Cô đứng nhìn và biết mùa xuân rồi cũng lụi tàn, những đóa hoa xinh đẹp đến đâu rồi cũng lụi tàn" (Mùa chưa đợi tuổi).
Đôi khi những người viết trẻ cũng thể hiện một góc khuất nào đó trong tâm hồn của họ, chẳng hạn "Nàng có cuộc sống phong lưu, nhà đẹp, con ngoan, chồng thành đạt và trách nhiệm. Nàng không được phép buồn. Nàng không có quyền buồn". Bỗng một ngày kia: "Ô la la, nàng kêu phá lên, cuống quýt. Nàng có cách rồi, nàng sẽ trả tiền cho các chuyên gia tâm lý, để họ lắng nghe nàng nói về nỗi buồn rất không thể chấp nhận được của mình" (Nỗi buồn thượng lưu)…
Đọc tập sách, có cảm giác nhẹ nhàng như gió thoảng qua trên dòng đời xuôi ngược, đơn giản vì tác giả chỉ ghi lại những cảm xúc riêng tư của chính mình. Cách viết này rất quen thuộc trên nhiều trang blog hiện nay và cũng có cái hay, thú vị của nó.
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 12/5/2013)
LÊ VĂN NGHỆ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn