Xem sách hay

Những Người Đàn Bà Tắm

Mua ở đâu?
Thiết Ngưng

Thiết Ngưng

Đi vào thế giới tác phẩm của Thiết Ngưng như đi vào một vườn hoa tâm linh rộng mở vô bờ , ở đó có hoa thơm và rộn tiềng chim , với những nhân vật có xương có thịt và cả tầng tầng chúng sinh không được con người chú ý .Thiết Ngưng yêu thương con người bằng cả trái tim yêu thương của mình , phanh phui đến tận cùng thế giới tâm linh và trạng thái sinh tồn của nhân vật .Trong nhiều năm qua như một thầy phù thủy có sức cảm thụ nhạy bén và trí tưởng tượng phong phú , khả năng khám phá sâu sắc … Hiện thấy trên văn đàn một nhà văn cuốn hút người đọc lâu bền đến thế


Những Người Đàn Bà Tắm
Cuộc chiến giữa lý trí và bản năng

(Những người đàn bà tắm, tiểu thuyết của Thiết Ngưng, Sơn Lê dịch)

TT – Người Trung Quốc nói rằng bệnh tật từ miệng vào, tai họa từ miệng ra. Không biết câu này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết y thuật Trung Quốc thì nổi tiếng từ mấy ngàn năm trước rồi, còn tai họa chắc cũng vậy.

Tai họa đè lên số phận mỗi người thì nhân loại không có nơi nào không có. Nhưng tai họa, ở đất nước Trung Quốc, theo kiểu tiếp nhận của người Trung Quốc, và ít ra là trong cuốn tiểu thuyết của Thiết Ngưng, có những điểm hơi khác theo nghĩa bao quát. Bệnh tật, tai họa càng đè nặng thì quyết tâm hưởng đời càng mạnh mẽ. Cho nên bệnh tật, tai họa càng trở nên nặng nề hơn…

Câu chuyện diễn ra chung quanh một gia đình trí thức Bắc Kinh trong khoảng thời gian 20 năm, ở thời kỳ cao điểm và sau khi kết thúc cuộc cách mạng văn hóa. Vợ chồng Doãn Xích Tầm, Chương Vũ về nông thôn, lao động ở nông trường, bỏ lại con nhỏ trong nhà tập thể. Nhưng không dễ dàng cúi đầu chịu đựng như chồng, Chương Vũ tìm mọi cách trở lại thành phố, tìm một cuộc sống dễ chịu hơn, hưởng thụ nhiều hơn cho dù phải phản bội chồng con.

Hai cô con gái Doãn Tiểu Khiêu và Doãn Tiểu Phàm vừa giống cha vừa giống mẹ, kiên nhẫn chịu đựng tai họa đồng thời tìm mọi cách thu xếp một cuộc sống tốt nhất trong khả năng có thể. Những bạn bè, hàng xóm của họ cũng sống như thế, yêu cuộc sống mãnh liệt và tìm mọi cách tận hưởng cuộc sống của mình trong hoàn cảnh bi đát của xã hội.

Thiết Ngưng chọn cách miêu tả lại bằng chữ một nhóm tác phẩm cùng tên của họa sĩ Pháp P. Cézanne. Tuy nhiên những người đàn bà của Thiết Ngưng không chỉ làm cái việc hoàn toàn bản năng là tắm một cách thản nhiên, an nhàn, điệu bộ, chất phác như trong tranh của P. Cézanne, mà họ còn phải vật lộn triền miên giữa lý trí với bản năng, cũng vì muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, giá trị hơn và tất nhiên là để tận hưởng hiệu quả hơn.

Rất may, chiến cuộc đối với mỗi người đều bất phân thắng bại nên những người đàn bà đó tiếp tục nhận tai họa từ miệng ra, nhận bệnh tật từ miệng vào, và vẫn sống một cuộc đời đáng sống. Một cách khác, có thể hiểu cuốn tiểu thuyết gọn gàng hơn: những người đàn bà của Thiết Ngưng không chiến đấu với tai họa để tồn tại, mà để được sống tốt nhất theo cách mà họ tin là không có gì trái lẽ thường.

Có lẽ đó chính là phẩm chất quan trọng nhất giúp người Trung Quốc, phụ nữ Trung Quốc, vươn lên nhanh chóng sau một trong những thảm kịch đau đớn nhất của dân tộc mình.

Bản tiếng Việt Những người đàn bà tắm xuất bản lần đầu tiên năm 2003 (NXB Thanh Niên) với một tựa khác: Khát vọng thời con gái. Lần tái bản này bản dịch được sửa chữa nhiều, bổ sung lời tựa của tác giả và lời bạt của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.

Bạn đọc từng thích dòng văn học vết thương của Trung Quốc qua các tác phẩm của Lư Tân Hoa, Trương Hiền Lượng, Lý Nhuệ… chắc sẽ thích Thiết Ngưng. Vì vết thương của Thiết Ngưng được nhìn lại theo một cách khác, ít mặc cảm hơn, mặc dù như đã nói ở trên, cũng nặng nề, cay đắng không kém.

(Theo Báo tuổi trẻ 08/03/2006) ĐỖ PHƯỚC TIẾN

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Những Người Đàn Bà Tắm
Những người đàn bà tắm(*) – Thách thức những khuôn mẫu

Cùng với Quạ đen và Điên cuồng như Vệ Tuệ, Những người đàn bà tắm với những xung đột tình cảm nội tại được tác giả đẩy lên bình diện văn hoá đã khắc hoạ được chân dung con người Trung Quốc hậu Cách mạng văn hoá. Con người với những khắc khoải, đau đớn, giằng xé, ám ảnh và cả những thoả mãn, khát vọng đầy bản năng. Các nhân vật nữ trong truyện giúp người đọc hình dung được cả hai thế hệ phụ nữ của Trung Hoa, một trẻ trung, hiện đại, nổi loạn, bất chấp cả luật lệ, lề thói xã hội và một là thế hệ trước đó, chịu ảnh hưởng nặng nề của cái được nhân danh là đạo đức.

Đường Phi – nhân vật có đời sống nhiều hấp dẫn và trúc trắc nhất trong truyện là một cô gái gợi cảm và bị cho là lăng loàn ngay từ nhỏ. Đường Phi không được các bạn trong trường học chấp nhận vì cô là con gái không có bố. Mẹ Đường Phi là một cô giáo nhưng phải bị bắt “ăn phân”, bị cả xã hội chửi rủa, coi khinh vì tội chửa hoang. Nhưng bất chấp tất cả, Đường Phi vẫn ngang nhiên sống, ngang nhiên yêu đương, thể hiện cái tôi trẻ trung và bản năng của mình. Điều đó thách thức cả một xã hội với những khuôn mẫu và quy tắc đạo đức. Phi yêu một “đại ca” đẹp trai và “anh hùng” trong trường học, yêu một diễn viên múa đã có vợ. Phi tìm mọi cách dụ dỗ đàn ông để được làm công nhân trong nhà máy. Phi phá thai, Phi làm đủ trò mà người đời gọi là lăng loàn. Nhưng Phi vẫn còn giữ nguyên một đôi môi, một trái tim. Phi vẫn mong chờ bố của mình, người Phi chưa bao giờ biết đến đặt lên đôi môi ấy một nụ hôn.

Sống lý trí hơn Phi là Khiêu. Khiêu yêu Phương Khăng, yêu Trần Tại. Yêu ai cũng yêu hết lòng, nhưng đến khi lẽ ra phải đưa ra một quyết định thì Khiêu lại chần chừ. Khiêu không dám quyết định vì Khiêu không tin vào sự tồn tại hoàn hảo của tình yêu. Điều đó khắc hoạ nên một chân dung trí thức trẻ, sống hết lòng, sống nhiệt tình nhưng cũng đầy do dự trong tình yêu. Chính vì lẽ đó mà “không có gì tồn tại hoàn chỉnh hơn trái tim tan vỡ” được xem như một triết lý rút ra từ truyện này.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong lời bạt cho cuốn sách mạnh dạn hy vọng tác phẩm này có thể gia nhập vào kho tàng của nền văn học Trung Hoa, không như số phận dễ phôi pha nhanh như nhiều cuốn sách nổi loạn đương thời. Tại Trung Quốc, tác phẩm này đã được đề cử giải thưởng Mao Thuẫn – giải thưởng văn học lớn nhất của Hội nhà văn Trung Quốc.

Hấp dẫn của Những người đàn bà tắm còn nhờ khả năng dẫn dắt câu chuyện, miêu tả tâm lý sâu sắc của Thiết Ngưng, để khi xem xong cuốn sách, người đọc không chỉ nhớ đến một hai nhân vật mà còn nhớ đến rất nhiều khuôn mặt khác, khuôn mặt nào cũng có nét riêng, có số phận và tâm lý riêng. Cậu của Đường Phi, một bác sĩ nội khoa phải tự mày mò cách phá thai của các bác sĩ khoa sản để phá thai cho cháu của mình, người đàn ông chưa vợ bị hấp dẫn tình dục bởi những phụ nữ xa chồng và đau đớn thay phải nhảy lầu tự tử vì quan hệ không hợp pháp với một người phụ nữ trong cơ quan, nhảy lầu khi trên người không có mảnh vải che thân, nhảy lầu vì bị bắt quả tang đang quan hệ tình dục.

Một nhân vật khác không kém phần sinh động và đầy bi kịch trong truyện, đó chính là Phàm – em gái Khiêu. Phàm chuộng ngoại và quyết tâm đi nước ngoài sinh sống. Chuộng ngoại đến nỗi khi quay về Trung Quốc thăm nhà, thấy đất nước càng ngày càng văn minh và phát triển, cô cau có và “chịu không nổi”. Phàm cô đơn ngay trên quê hương mình và cũng cô đơn trong căn nhà với người chồng ngoại quốc.

Những người đàn bà tắm hấp dẫn người đọc vì có được nhiều thứ mà Thành phố không mưa, một cuốn sách khác của Thiết Ngưng đã có mặt ở Việt Nam không có được. Đó là cách kể chuyện và miêu tả xung đột nội tâm khiến người đọc đôi khi phải rùng mình, cách xây dựng nhân vật và những khắc khoải của họ khiến người đọc phải chảy nước mắt và không thể dừng cuốn sách lại nửa chừng…

Theo Báo SGTT 13/03/2006 Nguyễn Hữu Trâm Anh

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Ở Lưng Chừng Thời Gian

(SGGP: Ngày 11/03/2007)

  • Ở lưng chừng thời gian

<A o

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Einstein

Einstein

Một công trình biên khảo công phu

(SGGP: Ngày 17/03/2007)

Cầm trong tay cuốn sách viết về Einstein của Nguyễn Xuân Xanh* còn nóng hổi mà lòng bồi hồi khôn xiết. Nhớ lại gần 40 năm trước, thời còn là sinh viên năm thứ hai đại học, khi vừa mới bắt đầu những bài học về cơ học lượng tử với biết bao hào hứng.

Đó cũng là lần đầu tiên gặp gỡ những bài giảng về thuyết tương đối của nhà bác học lừng danh này qua một tác giả người Pháp tìm được ở một cửa hàng bán sách cũ tại phố Kanda (Tokyo). Thời bấy giờ giới sinh viên ngành khoa học tự nhiên ở Nhật Bản lấy sách viết về Einstein làm “gối đầu giường”, đua nhau thi vào các đại học có bộ môn vật lý hạt nhân, một ngành học khá nổi bật tại Nhật Bản, được đánh dấu bằng hai giải Nobel về vật lý mà Yukawa Hideki (năm 1949) và Tomonaga Shinichiro (năm 1965) mang lại!

Nhà bác học Einstein.

Được biết Nguyễn Xuân Xanh đã mất ba năm trời ròng rã để biên soạn cuốn sách về nhà bác học Einstein, về cuộc đời không kém gian truân và sự nghiệp nghiên cứu lẫy lừng. Người cha đẻ của ngành vật lý hạt nhân với sự xuất hiện của thuyết tương đối và cơ học lượng tử, một thành quả nghiên cứu khoa học đã làm đảo lộn từ gốc rễ cách nhìn về thế giới mà ta có thể thấy được cũng như trong không gian, thế giới không thể khảo sát bằng mắt thường.

Vùng vẫy thoát khỏi những định đề của vật lý kinh điển để vươn tới quy luật vận động của vật chất trong không gian bốn chiều (theo thuyết tương đối rộng), Einstein đã giúp cho loài người bước chân vào vũ trụ một cách dễ dàng, chính xác đến mức tuyệt đối dựa trên thuyết tương đối cực kỳ vĩ đại.

Để kỷ niệm 100 năm ngày công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên (1905) của Einstein, năm 2005, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã tổng kết và đánh giá những thành tựu mà loài người đã vận dụng lý thuyết của ông để xây dựng thành một nền khoa học hiện đại phát triển rực rỡ của thế kỷ thứ 20.

Trong đó Nguyễn Xuân Xanh cũng đã góp mặt với tác phẩm biên khảo là công trình sưu tập công phu, ngồn ngộn tư liệu quý báu, nguyên bản mà không dễ gì ai cũng có thể tiếp cận được, qua đó góp phần “giải mã” những bí ẩn chung quanh lời đồn – cho rằng ông là một con người “gàn dở” hay “lập dị” – không đúng về nhà bác học này nếu không nói là chứng minh ngược lại. Chúng ta có thể đồng tình với nhận xét của TS Lê Đăng Doanh, rằng “cuốn sách Einstein là cuốn sách hay nhất, được biên soạn công phu nhất và đa dạng về nhà bác học thiên tài, dũng cảm của nhân loại Albert Einstein mà tôi được đọc bằng tiếng Việt”.

Không những kiến thức cơ bản về cơ học lượng tử, chứng minh chuyển động lưỡng tính – vừa dạng hạt vừa dạng sóng – của ánh sáng với tốc độ cực nhanh tạo ra sự khúc xạ kỳ diệu đầy sắc màu dưới năng lượng của mặt trời… được Nguyễn Xuân Xanh viết lại một cách dễ hiểu và đầy đủ cùng với những tư duy, chiêm nghiệm mang tính triết học của Albert Einstein được tác giả trích dẫn, tóm tắt một cách tài tình trong khi bản thân của những phát biểu của Einstein hay những nhà khoa học bình luận về ông không hề dễ hiểu chút nào.

Qua đó Nguyễn Xuân Xanh đã nêu bật được tính nhân văn sâu sắc một cách có hệ thống (qua những câu nói mang tính bất hủ của Einstein) cho thấy nhà bác học đã thoát khỏi mọi ràng buộc bởi những định kiến sẵn có của xã hội đương thời hay những định đề cổ điển trong khoa học vì quan niệm rằng chính nó luôn cản trở, hạn chế tầm nhìn và phát minh sáng tạo trong khi nghiên cứu. Nói khác đi, sự tiếp cận của Einstein luôn bắt đầu bằng một “dấu hỏi”, tự đặt mình trước những “vấn nạn” để tìm lời giải khoa học và hợp lý nhất mặc dù những “thắc mắc” của Einstein đều là những vấn đề “hóc búa” hay xem như “đã được tiền nhân giải quyết” xong rồi!

Đọc Einstein của Nguyễn Xuân Xanh, chúng ta như được gợi ý về phương pháp tư duy mạnh mẽ và dũng cảm, nhìn sự vật và sự việc năng động, luôn linh hoạt và ứng biến. Phải chăng đó cũng là luồng tư tưởng chủ đạo của những nhà khoa học, triết học, kinh tế, hội họa… tiến bộ của xã hội châu Âu trong cuộc cách mạng kỹ nghệ như vũ bão bắt đầu từ thế kỷ 18 kéo dài sang thế kỷ 20 trong đó có sự ra đời của chủ nghĩa Mác với thuyết biện chứng giữa các mặt đối lập trong một thể thống nhất? Tác động qua lại (của các mặt đối lập) là động cơ thúc đẩy sự tiến hóa không ngừng của vật chất mà những phát hiện của Einstein là đỉnh cao trong khoa học như một Picasso trong hội họa.

Bức tranh mô tả khá toàn diện về nhà thiên tài này đã góp phần làm sáng tỏ những luận điểm thời đại về mọi khía cạnh giáo dục, văn hóa, hòa bình… mà ông đã khởi xướng cũng như cho người đọc thấy được “cá tính” độc đáo tiềm ẩn trong con người Einstein. Như GS Hoàng Tụy nhận xét “Đọc cuốn sách hấp dẫn và đầy suy tư này, tôi càng thấy thấm thía vì sao Einstein đã đi đến kết luận: Trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức… rất mong các bạn trẻ tìm đọc cuốn sách này để giúp mình xác định hướng học tập, rèn luyện và tham gia nghiên cứu sáng tạo…” vì phương pháp tư duy của Einstein chắc chắn sẽ giúp cho giới trẻ khơi dậy được sức bật vốn có của mình.

Phải chăng nhà “Einstein học” Nguyễn Xuân Xanh cũng đã gửi gắm như vậy trong khi biên soạn tư liệu về Einstein?
———————
* “Einstein” – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2-2007. Nguyễn Xuân Xanh sinh năm 1942, du học năm 1966 tại CHLB Đức, tiến sĩ ngành toán xác suất.

HỒNG LÊ THỌ

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?