Xem sách hay

Những Mái Lều Ẩn Cư Trong Văn Chương Đông Á

Mua ở đâu?
Nhiều Tác Giả

Cuốn sách này được khơi nguồn cảm hứng từ cuốnFour huts – Asian writings on the simple life (Bốn ngôi nhà nhỏ – những tác phẩm văn học châu Á về cuộc đời giản dị) do Burton Watson tuyển chọn, dịch và viết tiểu dẫn. Watson giới thiệu bốn tác phẩm ký: một – của văn học Trung Quốc và ba – của văn học Nhật Bản.

  Trong Lời giới thiệu, Watson viết: “Ngôi nhà là ẩn dụ cho chủ nhân và cách sống nhất định trong ngôi nhà đó. Đó là một tư tưởng cổ xưa trong văn chương nhiều dân tộc. Trong bốn tác phẩm được dịch ở đây, bốn chủ nhân miêu tả chi tiết ngôi nhà và cuộc sống của họ. Qua đó, ta có thể chiếm lĩnh, tinh tế, gián tiếp, những cảm nghĩ nền tảng của họ về thế giới và những giá trị đời sống.”[1] 
 Các học giả Phương Tây đã có nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa biểu tượng của ngôi nhà. Gaston Bachelard viết trong Thi pháp không gian: “Ngôi nhà là một trong những năng lực tích hợp vĩ đại nhất cho những suy tư, những hồi ức cũng như những giấc mộng của loài người (…). Không nhà, người ta sẽ là một sinh vật xiêu tán, bơ vơ. Ngôi nhà bảo vệ người ta trước mọi dông tố của trời đất và mọi bão táp cuộc đời. Ngôi nhà là thân thể và linh hồn của con người”[2]. Carl Jung và những nhà phân tâm học nhấn mạnh ý nghĩa của ngôi nhà như biểu tượng của bản ngã với các cấp độ ý thức, tiềm thức, vô thức nông sâu khác nhau. Trong khi đó, James S. Duncan và những nhà xã hội học quan tâm giải nghĩa ngôi nhà như biểu tượng của cấu trúc xã hội.
 
Trong văn học, văn hóa Châu Á, dường như ngôi nhà còn mang nhiều ý nghĩa cổ xưa và sâu xa hơn nữa. Dưới nhãn quan của Đạo giáo, ngôi nhà thể hiện nguyên lý tứ tượng, bát quái trong vũ trụ đồng thời được đồng nhất với thân thể con người. Phật giáo cũng đồng nhất ngôi nhà và thân thể con người khi sư tổ Huệ Năng bảo rằng thân này chỉ là quán trọ. Ta cũng như nơi cư ngụ của ta đều hợp thành bởi những vật liệu sơ sài, giả tạm, tất cả khởi từ cái không và cuối cùng trở về trong cái không, tất cả không có bản tính riêng, độc lập, bất biến, thường hằng.
 
Đặc biệt, Đông Á còn có truyền thống riêng của dòng văn học, văn hóa ẩn sĩ với những mái lều ẩn cư. Lều không đơn giản là ngôi nhà nhỏ. Sự khác biệt không chỉ về lượng. Nhà thể hiện mức độ xã hội hóa cao hơn, lều gần tự nhiên hơn. Trong khi nhà như một loại hình kiến trúc kiên cố, vững chắc của người định cư thì lều lại là hình thức trú thân tạm bợ của người du cư, người lữ hành, người không buộc ràng, chấp mắc. Từ ngôi nhà bình thường đến mái lều ẩn cư còn mang ý nghĩa của sự từ bỏ. Cuộc sống thảo am của ẩn gia, về bản chất, chính là cách quay lưng với cuộc sống phàm tục của thế nhân, xa rời phú quý vinh hoa, hướng tới những giá trị đích thực của hạnh phúc và sự hiền minh.
 
Chúng tôi đã tuyển chọn trong sách này bốn tác phẩm về mái lều ẩn cư của bốn tác gia danh tiếng: Bạch Cư Dị (Trung Quốc), Kamo no Chomei (Nhật Bản), Lee Hwang (Korea), Nguyễn Hàng (Việt Nam). Bạn đọc có thể cảm nhận một nguồn mạch truyền thống chung của văn chương thảo am Đông Á đã được tiếp nối và phát triển, sáng tạo độc đáo qua từng tác gia, từng nền văn học dân tộc.

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1.  Lư Sơn thảo đường ký của Bạch Cư Dị (Trung Quốc)

Nguyễn Thị Bích Hải dịch và viết Tiểu dẫn

2.  Phương trượng ký của Kamo no Chômei (Nhật Bản)

Nguyễn Nam Trân (Đào Hữu Dũng) dịch và viết Tiểu dẫn

3.  Đào Sơn ký của Lee Hwang (Korea)

Nguyễn Thị Hiền dịch và viết Tiểu dẫn

Vũ Thị Thanh Tâm dịch Đào Sơn thập nhị khúc

4.  Tịch cư ninh thể phú của Nguyễn Hàng (Việt Nam)

Đoàn Lê Giang chú thích và viết Tiểu dẫn

5.  Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á (Nghiên cứu so sánh)

Phan Thị Thu Hiền

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?