Sao lại như thị? thấy vậy đó thiệt ra không dễ chút nào! Thấy vậy đó là thấy trong sự chuyển động, sự thay đổi không ngừng. Thấy như mộng huyễn, như sương móc không dễ chút nào! Và điều thú vị vượt qua được cái thị rồi sẽ thấy cái như, Chân như, Như như. Có khi xửng sốt, có khi bỡ ngỡ. Ngày hôm qua đâu rồi? Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi? Cầu vòng bảy màu rực rỡ kia chỉ là hơi nước tung tóe và một chút nắng nhoài qua kẽ lá. Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy. Một lúc nào đó có thể vượt ra, vượt qua, vượt lên để mà ngẩn ngơ. Ấy là cái lúc thấy tai nghe nằm ngoài những đường dẫn truyền thần kinh – vật lý và sinh lý. Thấy như thật là chưa phải thật. Mới gần thật. Còn phải bóc tách nhiều lớp vướng víu chằng chịt xô đẩy dày đặt chung quanh. Khi có tuổi mắt ta mờ đi tai ta lãng đãng. Nhờ vậy mà cái nhìn cái nghe bớt vướng víu bộn bờ, bớt lận đận đếm đo. Hôm nào đó ta chợt nhìn ra ta, nhìn ra người. Rồi thấy người là ta, ta cũng là người. Chu mạnh trinh kêu lên : Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu. Có người Tư Mã đượm mùi áo xanh nắn nót giàn bầu nậm thì có người xuống ngựa, có kẻ dừng chèo, canh khuya lau lách điều hiêu. Tuổi 65 như tuổi 15. Bước vào một thời kỳ mới lạ. Dậy thì mà không phải dậy thì, nhưng vẫn là dậy thì. Nhìn đã khác, thấy đã khác. Nên mới là Như Thị. Nên mới có Như Thị hãy chia sẻ hãy vui.” Đó là lời của Đỗ Hồng Ngọc muốn thông điệp cho chúng ta qua cuốn sách ” Như Thị” của Ông.
Sẻ chia, ấy là hạnh phúc
(Như thị, Đỗ Hồng Ngọc, NXB Văn Nghệ)
Như thị khác các tập tản văn trước, không chỉ ở cái tựa có vẻ bí hiểm, thay vì những Thư gửi người bận rộn, Gió heo may đã về, Già ơi… chào bạn!... khá giản dị trước đây, nội dung của nó cũng không thuần chất. Có bài đẫm chất thiền (Như thị, Ngọn lửa, Trăng gió kho vô tận, Nói không được…) bên những bài về khoa học và nghệ thuật ăn uống, hít thở (Cuộc chiến không cân sức, Ăn cũng phải học, Chỗ ngồi ăn không ngon, Một cách nhìn mới...).
Rồi những bài giới thiệu sách và bình văn rất nhà nghề (Thư trung, Vẽ lại một lộ trình mới, Những người muôn năm cũ, Im lặng thở dài...) cạnh những bài về… bóng đá (Bóng đá và sex, Chuyện bây giờ mới nói). Nhiều bài đầy chất giáo dục thủ thỉ mà sâu sắc (Chuyện ông Carnot, Trước hết là những bệnh nhân, Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi, Thương nhớ đòn roi…) thì cũng có bài quá đơn sơ, mộc mạc… Có vẻ đúng là một tập tạp bút để tác giả tha hồ nói mọi chuyện trên trời dưới đất, theo lối viết của mình – một lối viết đã được học giả Cao Huy Thuần nhận xét là “kết hợp được với tâm hồn của anh. Người đọc mến anh vì trải dài trên giấy là một tâm hồn đẹp. Tác giả trở thành bạn thân của độc giả. Sách của anh là một liều thuốc bổ…”.
Sau cơn bệnh nặng, ở tuổi 65, Đỗ Hồng Ngọc có vẻ càng “ngộ” hơn, minh triết hơn. “Như thị” có nghĩa là “thấy vậy đó”. “Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy”. Để cuối cùng nhận ra một chân lý vô cùng đơn sơ: “Sẻ chia, ấy là hạnh phúc”. Với Như thị, anh đang muốn sẻ chia những cảm nhận đẹp về cuộc sống của mình cho mọi người. Đọc, và có cảm giác đã được chia sẻ.
NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
BS Đỗ Hồng Ngọc và “Như thị” (*) | |
(SGGP Ngày27/02/2007) | |
… “Có khi sững sốt, có khi bỡ ngỡ. Ngày hôm qua đâu rồi? Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi? Cầu vòng bảy màu rực rỡ kia chỉ là hơi nước tung toé và một chút nắng nhoài qua kẽ lá. Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà là vậy…”.
|