Định làm việc này từ lâu, gọi là Nhớ Gì Ghi Nấy. Nhưng hễ sực nhớ được việc, cảnh, người cũ (mà ngày trước chưa đưa vào các truyện ngắn truyện dài), thì lại không ghi. Vì cho là chỉ phải viết coa dăm mươi dòng, mà cũng phải đi tìm giấy bút thì ngại. Cho nên lại để cái sực nhớ thoảng qua đi. Từ hôm nay, quyết làm việc này. Và nhất định có những việc viết hai lần. Những sự kiện in vào óc lúc tuổi trẻ thì nhớ được lâu. Những việc làm lúc tuổi già thì dễ quên – (Lời mở đầu của Nhớ gì viết nấy
Đây là những dòng chữ nhà văn Nguyễn Công Hoan viết khi gần 70 tuổi, theo cách gọi của riêng ông từ khi đặt bút, là Nhớ gì viết nấy về một thể loại văn học mà ông là một trong số rất ít những nhà văn Việt Nam khởi đầu.
Nhớ và ghi về Hà Nội là cuốn sách sưu tầm những trang ông viết dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị.
Như một chuyến lãng du bổ ích và ngoạn mục, người đọc sẽ được lang thang cùng ông, nghe ông kể về Hà Nội xưa ở từng thời khắc cũ. Từ Vườn hoa Chí Linh, thời Pháp thuộc, tên là vườn hoa Pôn-be, cho đến Truyện của ta được Pháp quay phim là Truyện Kiều…. Từ nghề làm sách bán cho đến chuyên buôn bán kinh doanh. Từ chuyện học trò trường Bưởi, tiếng đàn người hát rong cho đến sòng bạc, phố cô đầu, mánh khoé của dân buôn. Từ nhà thương cho đến chiếc máy bay đầu tiên của Pháp sang Đông Dương đến Hà Nội năm 1914…
Khác với những trang văn viết về Hà Nội cũ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài…, những trang viết của Nguyễn Công Hoan ẩn chừa một nỗi niềm, mang một giá trị tư liệu độc đáo về một thời khắc không quên của lịch sử. Đó là một Hà Nội những năm của kiếp sống thuộc địa, tù túng, đầy cốt cách thật đáng nhớ. Và đó cũng chính là giá trị mà cuốn sách mang lại.