Bạn có thể gọi đây là tập truyện cổ tích dành cho người lớn. Bạn cũng có thể gọi đây là tập truyện hiện thực huyền ảo dành cho trẻ em. Tại sao không phải là ngược lại? Có vẻ như vậy sẽ hợp lí hơn nếu đây là cổ tích dành cho trẻ em và hiện thực huyền ảo dành cho người lớn. Tuy nhiên, sự hợp lí đó có nguy cơ sẽ biến tập truyện này thành hai tập truyện khác nhau trong cùng một quyển sách. Thế nhưng, chính vì có sự nghịch lí ấy, chất cổ tích và chất hiện thực huyền ảo hòa quyện trong tập truyện này đã tạo nên không khí đặc trưng riêng vừa dễ thương vừa sâu lắng. Ở những truyện viết theo phong cách cổ tích như “Tuyết lửa”, “Lời nói dối”… thì tác giả gửi gắm những suy tư của mình theo lối hiện thực huyền ảo. Ngược lại, ở những truyện viết theo lối hiện thực huyền ảo như “Nàng tiên cá hồ Rupert”, “Độc dược Taxus Baccata”, “Cô rắc rối và con mèo già”… cách lựa chọn bối cảnh, nhân vật, sắp xếp tình tiết lại dễ khiến người ta liên tưởng đến những truyện cổ tích. Vì vậy, mở đầu những truyện ngắn trong tập truyện này có thể mang đến cảm giác vừa lạ vừa quen; thứ cảm giác không lạ lẫm hoàn toàn ấy kích thích bạn dự tưởng về tiến trình phát triển câu chuyện; nhưng đừng vội chủ quan, rất nhiều truyện ngắn trong Nhà ở cuối đường Coventry chọn kết thúc ở thời điểm không hẳn là hoàn toàn thích hợp.
Ngọc Huyền dường như không có tham vọng kể một câu chuyện hoàn chỉnh, điều cô cố gắng nỗ lực là tái tạo lại không khí trong thế giới mà nhân vật đã sống thông qua chính cảm xúc của họ. Cảm xúc của một con người (ngôi thứ nhất) hay nhiều con người (ngôi thứ ba) không phải lúc nào cũng ổn định. Sự nghiêm túc và bỡn cợt luân phiên hoán đổi trong lối kể của Huyền. Vì vậy mà ở đây chúng ta có truyện cổ tích dành cho người lớn, truyện hiện thực huyền ảo dành cho trẻ em, thậm chí chúng ta cũng có cả truyện cổ tích dành cho trẻ em và hiện thực huyền ảo dành cho người lớn nữa.
Bạn có thể dễ dàng tìm đọc truyện cổ tích hay truyện hiện thực huyền ảo viết theo lối phục vụ đúng đối tượng truyền thống của nó, nhưng sự mơ hồ và khó phân định đối tượng độc giả trong phong cách hòa hợp giữa cổ tích và hiện thực huyền ảo như tập truyện Nhà ở cuối đường Coventry thì không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Có lẽ, điều này cũng đơn giản như việc trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ, và trong mỗi đứa trẻ đều đang phôi thai những suy tư của người lớn về cuộc đời. Việc của Ngọc Huyền chỉ là giúp chúng ta nhận thấy không phải lúc nào người lớn và trẻ em cũng nên tách biệt.
Mời bạn đón đọc.