Với một khối lượng lớn tác phẩm, bằng một phong cách riêng độc đáo và đặc sắc, Nguyễn Tuân đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình Nho học, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng rất lớn của truyền thống gia đình, đặc biệt là của cha ông – ông tú Hải Văn, một nhà nho bất đắc chí dưới chế độ thực dân phong kiến. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân mang đậm dấu ấn của những ảnh hưởng đó.
Nguyễn Tuân hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực: viết văn, làm báo, diễn kịch..ở lính vực nào ông cũng rất say sưa, thể hiện cái tôi của mình. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn chính: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Trước Cách mạng tháng Tám, ông nổi tiếng với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Tóc chị Hoài… Và sau Cách mạng tháng Tám, ông bắt đầu bằng Chùa Đàn, rồi được khẳng định là nhà văn có sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng từ Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày tác phẩm đầu tay của Nguyễn Tuân ra đời (Một chuyến đi – 1938; trước đó ông đã có một số bài thơ, truyện ngắn, bút ký nhưng chưa nổi tiếng). Con người và văn chương Nguyễn Tuân luôn là một đề tài gây sự chú ý và hấp dẫn đối với người đọc nói chung và với các nhà văn, với giưói nghiên cứu nói riêng.
Ngoài các tác phẩm: Vang bóng một thời, Người lái đò Sông đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi được giới thiệu trong tuyển tập còn có các bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học những người luôn quan tâm đến các sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân.
Để giúp bạn đọc có điều kiện hiểu sâu sắc về tài năng, đóng góp và vị trí của Nguyễn Tuân trong nền văn học nghệ thuật dân tộc, Nhà xuất bản Văn học cho ấn hành cuốn Nguyễn Tuân – Tác Phẩm Và Dư Luận. Cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Tác phẩm: Vang bóng một thời; Người lái đò Sông Đà; Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi
Phần II: Dư luận: gồm nhiều bài viết của các nhà văn tên tuổi khi nói về những tác phẩm của Nguyễn Tuân.