Có những cuốn sách viết ra không phải vì tất cả mọi người, nhưng bất kỳ ai cũng có thể đọc nó. Cuốn sách Nguyên ơi! nằm trong số ấy.
Nguyên Ơi là cuốn nhật ký của một người cha là Đại tá Lê Hải Triều viết về người con thương yêu của mình Lê Viên Hải Nguyên đã mất vì căn bệnh ung thư máu.
Con chỉ đi xa nhà giống như ngày nào bố khoác ba lô vào chiến trường. Cả gia đình, ông, bà, các chú, các bác từng quậy quần dặn dò bố. Và giờ thì cả gia đình , bố mẹ, chị cùng quây quần lại để dặn dò con…
– Tối hôm qua em cố đợi Hương, không thì em đã đi rồi!
– Sống mới khó, chết thì khó gì?
– Hương tưởng chết mà dễ à. Đợi mãi mới được một cơ hội. Tối qua mấy lần em thiếp đi rồi, tự nhiên tỉnh lại, em lại cố thở để gặp Hương đấy!
Nghỉ một lát, Nguyên hỏi:
– Sao hôm nay có nhiều người vào thăm em thế?
– Hôm nào mà chẳng thế!
– Hương nói với bố mẹ, khi em đi đừng có đau buồn, đừng khóc nhé!
– Chị sẽ nói bố mẹ. Mày sang bên ấy có cả chú Cào, cả em Phong nữa!
– Em cũng muốn xem mặt chú Cào thế nào!
– Chị đã hứa với mày là khi chị kiếm được tiền sẽ mua cho mày một cái quần bò, nay đã có tiền mà chưa mua được. Chị sẽ gửi sau vậy nhé!…”.
Tôi ngồi một bên, nhà tôi ngồi một bên, Hương ngồi phía dưới chân em. Thuốc vẫn tiếp tục truyền. Nhà tôi nói với Nguyên:
– Con ở với bố mẹ được mười sáu năm nhưng bố mẹ rất tự hào về con. Một đứa con ngoan, học giỏi, hiếu thảo, chưa bao giờ làm bố mẹ phật lòng. Những ngày qua, bố mẹ biết con đã nén chịu đau đớn để bố mẹ không buồn. Ai cũng khen con có nghị lực, con chẳng làm phiền lòng ai.
Lấy khăn lau nước mắt, mẹ Nhân nắm bàn tay con thủ thỉ:
– Con hãy về nhà mình nhé. Cứ nhìn cửa tầng hai, tầng ba có điện là con vào. Từ nay, năm nào sinh nhật con, bố mẹ cũng làm cho con, đi thăm quan nghỉ mát bố mẹ thắp nhang mời con về cùng đi.
Tôi nắm bàn tay của con. Bàn tay thon dài. Tôi hôn lên má con. Tôi ôm cháu thật lâu:
– Bố thương con lắm Nguyên ơi! Giá như bố thay cho con được thì bố làm ngay.
– Bố ơi! Số con nó thế. Bố thay con thì con sống làm sao? Lấy gì mà ăn!
– Việc ấy con không phải lo. Nguyên ơi, bố mẹ đã có ý định đợi con vài tuổi nữa sẽ mua cho con chiếc ôtô để con bằng anh bằng em. Bố biết con chín chắn, cẩn thận lái xe được mà. Thế mà..
– Bố! Đừng quá đau buồn nữa, số con thế rồi bố ạ! Khi con đi bố không được khóc. Bố hứa với con đi!
– Bố hứa! Bố hứa!
Tôi nói mà nước mắt ròng ròng.
– Nguyên ơi! Bố sắp tuột mất con rồi…”.
(Trích đoạn trong nhật ký Nguyên Ơi!).
Xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đón đọc.
Một cuốn sách vô cùng đặc biệt, đó là những dòng hồi ức mà người cha viết về đứa con yêu quí của mình đã ra đi vì căn bệnh ung thư. Sách của Đại tá Lê Hải Triều viết để tưởng nhớ con trai Lê Viên Hải Nguyên, cuốn sách có tựa đề “Nguyên ƠI”.
Có những cuốn sách viết ra không phải vì tất cả mọi người nhưng bất kỳ ai cũng có thể đọc nó, cuốn sách này nằm trong số đó. Cả cuốn sách là những dòng nhật ký được người cha Đại tá Lê Hải Triều ghi lại trong suốt gần hai tháng trời cậu con trai Lê Viên Hải Nguyên chiến đấu với bệnh tật. Người cha đã dùng tất cả những tình cảm yêu thương nhất truyền sự sống cho con trai và giờ đây ông cũng dùng chính cách truyền cảm xúc thiên liêng đó để viết nên những dòng nhật ký về khoảng thời gian cuối cùng Nguyên có mặt trên cõi đời. Trong cả cuốn nhật ký này, những lời day dứt thắm thiết luôn vang lên trong tận trái tim người cha và những người thân. Câu bé Nguyên còn rất trẻ , Nguyên sinh ngày 21 tháng 7 năm 1989, cậu bé đang ở lứa tuổi mười sáu mười bảy, lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người vậy mà căn bệnh ung thư quái ác đã cướp mất Nguyên từ cuộc sống tươi đẹp, từ gia đình thân yêu, cướp mất Nguyên từ bàn tay bạn bè thầy cô.
Trong cuốn nhật ký này ranh giới giữa sự sống và cá chết đã không còn rõ ràng, cái chết đã không còn là một điều quá đáng sợ của cậu bé Lê Viên Hải Nguyên như đang làm cho mọi người phải khâm phục nhưng thực sự điều bâng khuâng lớn nhất của tôi khi đọc nhật ký tràn đầy tình cảm thân thương này là không hiểu một cậu học sinh trung học ngây thơ và hiền lành như Nguyên lại bình thản trước cái chết, điều mà ngay những người lính ngoài mặt trận cũng phải run sợ. Đã xảy ra một cuộc tranh đấu âm thầm mà cam go giữa sự sống với cái chết của cậu bé Lê Viên Hải Nguyên. Nguyên bị ung thư máu, căn bệnh cho tới bây gìơ thế giới vẫn bó tay. Từ khi phát hiện bệnh cho tới lúc ra đi chỉ vỏn vẹn có hơn một tháng. Trong hơn một tháng ấy, thời gian bị trải ra đến từng phút, từng giây với nỗ lực không mệt mỏi của chính Nguyên và những người thân trong gia đình để dành lấy sự sống. Đành rằng số mệnh là không thể xoay chuyên, đành rằng là người ai cũng phải một lần ra đi nhưng cậu bé Nguyên còn trẻ quá. Như bạn bè cùng trang lứa Nguyên cũng ấp ủ bao mơ ước, bao hoài bão tốt đẹp cho tương lai của mình và lẽ ra Nguyên phải được quyền thực hiện những điều tốt đẹp đó. Vậy mà…
Có những đoạn trong cuốn nhật ký này làm cho người đọc chúng ta phải rơi nước mắt, rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của cậu bé Lê viên Hải Nguyên. Bằng cái nghị lực đó cậu bé Nguyên đã chống chọi với bệnh tật hơn một tháng trời. Có lẽ Nguyên đã được kế thừa cái nghị lực đó từ bố, nghị lực của một người bố.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Nguyên đi như một điển tích buồn…
TT – Có những cái chết để bắt đầu lại sự sống; định nghĩa lại sự sống một cách công bằng, chính xác hơn; cái chết của Nguyên là như thế.
Tôi tìm thấy Nguyên ơi (*) trên giá sách ở một cửa hàng sách và quyết định đọc nó vì lời tựa của nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Có những cuốn sách viết ra không phải vì tất cả mọi người nhưng bất kỳ ai cũng có thể đọc nó…”.
Em chiến đấu với bệnh tật như đi trong một cuộc trường chinh vĩ đại. Tôi rợn người với những liều thuốc đặc trị tấn công hằng ngày cho chứng bệnh ung thư máu của em: bốn chai huyết thanh và một chai hóa chất với kháng sinh mới, bốn chai huyết thanh với nhiều loại hóa chất mà tôi không biết tên, ba lọ kháng sinh Tiên Nam, bốn chai huyết thanh và ba lọ kháng sinh mới… Tiếng cót két của cái giá thuốc có lắp bánh xe cũng làm tôi rợn luôn, cả lời hỏi thăm hằng ngày như một điệp khúc của người y sĩ truyền thuốc: “Thế nào Nguyên, có sốt không?”. Và hai cổ tay sưng vù của em chi chít những vết kim truyền thuốc. Đến lúc không còn chỗ nào lành lặn để nghĩ xem kim ghim vào tay nào ít đau, ít sưng hơn thì em vẫn bình thản: “Tay nào cũng được!”.
Căn bệnh nghiệt ngã đến với người học trò hiếu thảo, ngoan ngoãn, học giỏi Lê Viên Hải Nguyên khi em đang học lớp 10 (Trường chuyên ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội). Biết mình mắc bệnh nan y nhưng trước khi nhập viện em vẫn cố gắng hoàn tất hai bài kiểm tra ở trường. Trước người thân, em không lo không buồn; chỉ như là vô tư nỗ lực ăn, nỗ lực truyền thuốc để chiến đấu với căn bệnh quái ác. Khi chưa bị căn bệnh quật ngã, ngày ngày em vẫn tự học bài và làm bài tập trên giường bệnh.
Mẹ mua cho món ăn nào cũng cố gắng ăn nhiều và cho mọi người thấy là mình ăn ngon miệng. Đến khi sức tàn, lực kiệt; nằm tóp teo trên giường vẫn nhắc bố phải ngủ để giữ gìn sức khỏe; nhắc mẹ phải ăn nhiều để không bị mất sức; nhắc các thầy thuốc cho uống thuốc đúng liều. Tóc bị rụng nhiều do hóa chất, em vẫn còn liến thoắng nói vui cùng bố: “Cho nó mát bố ạ!”. Đến lúc phải nằm bất động trên giường (vì nghiêng đàng nào cũng đau khủng khiếp), em vẫn cố gắng ăn bất cứ món gì có thể ăn được “để lấy sức mà truyền thuốc”. Đến cái đêm mà em mê sảng gọi tên mình; không thể nỗ lực nữa để ăn, để nói cho người thân yên lòng thì em lại điềm tĩnh đón chờ cái chết như không. Nằm khó thở, đau đớn trên giường nhưng em vẫn cố nạp thẻ điện thoại cho mẹ với đôi tay run run; gọi điện từ biệt bạn bè như thể sắp đi đâu xa: “Thôi, các cậu ở lại nhé!”. Nguyên từ biệt chị mình: “Hương tưởng chết mà dễ à. Đợi mãi mới được một cơ hội. Tối qua mấy lần em thiếp đi rồi, tự nhiên tỉnh lại, em lại cố thở để gặp Hương đấy!”…
Lan man giữa nỗi đau sinh ly – tử biệt, người đọc thấy tay Nguyên chạm vào Thần chết. Mà dường như cậu bé vẫn tung tăng bước trên những thang bậc cuối cùng của sự sống. Như cậu đã từng tung tăng với lớp 9H, với tuổi học trò đẹp rạng rỡ: “Trong bốn năm học qua, chúng ta đã có với nhau bao nhiêu kỷ niệm dưới mái trường thân yêu. Tuy đôi khi chúng ta còn cãi nhau, còn gặp những chuyện không may nhưng cũng như một gia đình, sau những cơn sóng gió, các thành viên càng gắn bó, đoàn kết và yêu thương nhau hơn. Lớp ta có 46 thành viên, cứ mỗi niềm vui đến với chúng ta, nó được nhân lên 46 lần, còn mỗi nỗi buồn lại vơi đi 46 lần…”.
Vậy mà giờ đây, Nguyên ngất ngư trong đau đớn trước bạn bè: “Thôi các cậu về đi, đây là lần cuối cùng chúng mình gặp nhau đấy!”. Với nỗi niềm chị em ruột thịt: “Hương nói bố mẹ đừng đưa em lên chùa. Ở chùa buồn lắm! Cho em ở nhà với bố mẹ, với Hương… Hương nhớ viết thư cho em nhé. Cứ để lên bàn thờ thắp hương và hóa cùng tiền vàng là em nhận được…”. Với người cha thân yêu: “Bố hứa với con đi, con đi rồi bố không được khóc, hứa đi, bố!”. Còn đây là lời từ biệt đớn đau của người mẹ để ngỡ ngàng tin rằng có một thế giới bên kia và sự trùng phùng: “Con hãy về nhà mình nhé. Cứ nhìn cửa tầng hai, tầng ba có điện là con vào. Từ nay, năm nào sinh nhật con, bố mẹ cũng làm cho con; đi tham quan nghỉ mát, bố mẹ thắp hương mời con về đi cùng”.
THU TRÂN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ngân Thành cố sự
(Ngày 24-06-2007)
Ngân Thành – một đô thị nhiều đời ấm no nhờ khai thác muối mỏ. Và mọi biến thiên diễn ra ở Ngân Thành từ nghề làm bánh phân trâu thay chất đốt đến sự chém giết nhau vì những chân lý do mỗi người phụng sự. Tất cả những diễn biến đó, Lý Nhuệ không lý giải và ông cũng không thể lý giải vì đó là “lịch sử”.
Hai từ lịch sử xuất hiện rất nhiều trong Ngân Thành cố sự. Tiểu thuyết không nhằm thanh minh hay phản biện lại lịch sử mà đơn thuần là ghi nhận những gì đã diễn ra. Nhưng Lý Nhuệ nhận xét rằng lịch sử tiến lên được nhờ những đôi mắt biết quan sát: “Có đôi mắt của Colombo thì mới có châu Mỹ, có đôi mắt của Magenlăng thì mới có được quan niệm về trái đất. Nếu tất cả không bị đôi mắt của văn minh theo dõi, quan sát thì vĩnh viễn không thể thành lịch sử”.
Điều cuốn hút ở tiểu thuyết này là không khí truyện cổ kính như một bài thơ Đường. Ngay cả cách đặt tên bốn chương trong Ngân Thành cố sự, tác giả cũng mượn từ bài thơ Xuất tái của Vương Chi Hoán thời Đường: “Hoàng Hà tuôn nước từ mây trắng/ Tòa thành cô độc giữa ngàn non/ Sáo Khương sao nỡ oán dương liễu/ Gió xuân không tới ải Ngọc Môn”. Bài thơ này ở phần thứ bảy chương bốn (cuối) đã được viết lên cánh buồm màu trắng căng gió trôi đi giữa mờ mịt và người viết bài thơ lên cánh buồm ngay sau đó phải lìa khỏi cõi đời. Kết thúc truyện là cảnh những con trâu gắn bó lâu năm với người Ngân Thành được tôn lên làm Ngưu vương theo tập tục, với cặp mắt hiền từ nhìn lũ người lưu luyến mối tình cốt nhục, chỉ có loài vật là vô ưu.
HÒA AN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Thứ Sáu, 07/09/2007
Đi dưới mưa hồng
TT – Thang Hiển Tổ, kịch tác gia vĩ đại của Trung Quốc (thế kỷ 16), ví người đang yêu như đi dưới mưa hồng (hồng vũ hạ).
Cùng một tình yêu đó với văn chương, nhà giáo – nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu đã dắt tay những học trò của mình “đi dưới mưa hồng”, thực hiện một chuyến du quan vào thế giới văn chương kỳ diệu.
Đi dưới mưa hồng là một tuyển tập tổng hợp những bài trò chuyện văn chương của nhà giáo – nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu, với mục đích đầu tiên là trả lời những câu hỏi, những vướng mắc của học sinh, sinh viên trong quá trình học văn và tiếp nhận tác phẩm.
Đó là những cuộc trò chuyện văn chương rất “Nhật Chiêu”: mượt mà, trong trẻo, đầy chất gợi và vì thế từng khái niệm tưởng chừng khô khan, rối rắm trong văn chương bỗng trở nên dễ tiếp nhận hơn bao giờ hết. Những bài viết duyên dáng ấy mang đầy sự mê say, lòng nhiệt huyết và tình yêu của người viết đối với văn chương; để rồi sự mê say ấy truyền đến cho người đọc, khiến người ta muốn dấn sâu thêm vào chuyến du hành kỳ thú kia lúc nào không biết.
Không chỉ là những lời giải đáp đơn thuần, bằng những dẫn chứng thi ca quyện hòa đầy thuyết phục, nhà giáo Nhật Chiêu đã khéo léo lồng ghép vào cuộc trò chuyện văn chương với học trò mình những bài học đầy ý nhị về cuộc sống, để người đọc bỗng thấy qua từng trang sách, mình nhìn cuộc đời hồn nhiên hơn, dịu dàng hơn.
Bởi thế Đi dưới mưa hồng là cuốn sách trò chuyện văn học hay và bổ ích không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà còn với những ai quan tâm đến văn chương.
KHẢ ANH
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn