Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ nằm trong Tủ sách Nhà văn của em của NXB Kim Đồng chuyên viết về các "cây đa cây đề" của làng văn Việt, như: Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Vũ Trọng phụng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Lưu Trọng Lư, Sơn Nam… Đây là lần đầu tiên, có một cuốn sách viết về một nhà văn trưởng thành sau năm 1975 được vào tủ sách này.
TT&VH có cuộc trò chuyện với "soạn giả" Lê Minh Quốc.
Một tài năng và một người khổng lồ
Nhà thơ Lê Minh Quốc
* Thưa anh, trong khi anh là một người cầm bút cùng thời với Nguyễn Nhật Ánh, vì sao anh lại viết tập sách về nhà văn này, anh không có "đố kỵ" gì ư?
– Sau khi phát hành quyển Sơn Nam – hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê, NXB Kim Đồng tin cậy và đặt hàng tôi viết tiếp về nhà văn khác. Trong lúc tôi còn chần chừ, họ đề nghị viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi nhận lời ngay vì ngoài tình bạn, đồng hương, tôi cũng có khá nhiều tài liệu về tác giả Thằng quỷ nhỏ. Hơn 20 năm trước, với tư cách nhà báo, tôi đã lưu ý về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, do đó, những gì liên quan đến anh, tôi cũng đã làm công tác lưu trữ chu đáo.
Thật ra, trên cả những điều đó, tôi nhận thấy tác giả Kính vạn hoa rất xứng đáng để có một quyển sách viết riêng về anh. Đó là một tài năng và một người khổng lồ đã lao động miệt mài trên trang viết. Tài năng đó, trong tập sách này, tôi khẳng định: "Với dòng văn học dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, hiện nay anh đang giữ một vị trí đặc biệt. Khó có người thay thế. Khi liệt kê tên tuổi và tác phẩm của một thế hệ nhà văn, hội đồng làm văn học sử có thể nhớ đến người này và quên béng người kia. Có thể chọn người này và bỏ sót người kia. Nhưng với Nguyễn Nhật Ánh, người ta không thể, dù cố tình hoặc vô tâm". Với một đồng nghiệp như thế, tôi không thể nào có lý do gì để đố kỵ hay ganh tức, tôi phục tài bạn văn của mình.
* So với những tập sách trước thuộc Tủ sách Nhà văn của em của NXB Kim Đồng, thì quyển sách này có gì khác?
– Có nhiều điểm khác lắm chứ. Do viết về nhà văn mà mình yêu mến nên tôi đã phá vỡ cấu trúc quen thuộc của bộ sách này. Số trang dày hơn gấp nhiều lần. May mắn, nhà thơ Cao Xuân Sơn – Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng ở phía Nam đồng tình, và giữ nguyên những gì tôi đã viết. Chỉ có một thay đổi là khi tôi chọn in bài thơ Chị tôi của anh Ánh ở phần phụ lục, anh Sơn đề nghị thay bằng bài thơ Ở một nơi núi thò chân xuống biển (tr.125), vì lý do: trên mạng đã nhầm là thơ của người khác. Qua đây, cũng là một cách đính chính lại. Khác biệt nữa, tập sách này có khá nhiều hình ảnh về anh Ánh thuở… chưa nổi tiếng, kể cả thơ của anh sáng tác thời đi học.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất, đây là lần đầu tiên một nhà văn thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 có tập sách riêng viết về tiểu sử lẫn sự nghiệp. Vô hình trung, nó đánh dấu và khẳng định sự hình thành của một thế hệ cầm bút lớn lên cùng đất nước – mà Nguyễn Nhật Ánh là một trong những người rất tiêu biểu. Thế nên, khi viết với tâm niệm đó, bản thân tôi rất hào hứng.
Vợ Nguyễn Nhật Ánh hiểu chồng hơn nhờ cuốn sách này
* Được biết, anh rất vất vả để tìm cái tên đặt cho cuốn sách viết về Nguyễn Nhật Ánh?
– À, khó khăn nhất đối với tôi là… cái tựa! Bạn có tin không? Trong một buổi chiều, tôi ngồi một mình trong quán cà phê và ghi ra chừng 50 cái tựa, rồi cân nhắc và lựa chọn. Cuối cùng, tôi chọn lấy tựa Nguyễn Nhật Ánh – Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ. Như bạn đã biết Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupery. Tôi nghĩ, danh hiệu "hoàng tử bé" xứng đáng để dành tặng cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ai không đồng tình, thì xin cứ lật quyển sách này để thấy rằng tôi đã chứng minh từ các số liệu thống kê, từ các hiệu ứng xã hội, từ dư luận bạn đọc thông qua tác phẩm của anh, chứ không phải bốc đồng hoặc quá yêu mến "nhân vật" của mình.
* Vào sáng ngày 9/9 tới đây, tại Thư quán Đo Đo, Lê Minh Quốc và Nguyễn Nhật Ánh mới ký tặng cuốn sách này cho bạn đọc. Nhưng hiện nay sách đã "gây sốt" qua các hệ thống phát hành. Vậy đến nay lời khen nào khiến anh phải tủm tỉm cười và thấy thú vị nhất?
– Hôm nọ, tôi gặp vợ của nhà văn… Nguyễn Nhật Ánh ở quán Đo Đo. Chị ngồi đối diện tôi, gương mặt cực kỳ nghiêm túc, chẳng nói gì cả và cũng rất… hình sự. Tôi hoảng quá, trong sách này có sai sót gì về anh Ánh chăng? Mãi giây lát sau, chị mới thủ thỉ: "Sau khi đọc xong quyển sách Quốc viết về anh Ánh, tôi ngạc nhiên vì không ngờ lâu nay mình ở chung với một người tài năng và đáng yêu quá". Tôi thở phào nhẹ nhõm.
À ra thế. Vậy là tôi đã làm đúng mục đích ban đầu khi tôi viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chính sự hệ thống tư liệu, sắp xếp các chương mục hợp lý nên bạn đọc dễ dàng nhận ra diện mạo của một nhà văn best-seller. Đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, như vậy, với tôi là sự hài lòng về tập sách này.
Thanh Kiều (thực hiện).
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn