Xem sách hay

Người Trở Về

Mua ở đâu?
Nguyễn Khải

Nguyễn Khải

Sau chuyến đi thực tế tại hợp tác xã Nam Tiến (Lâm Thao – Phú Thọ) những năm 1960-1962, nhà văn Nguyễn Khải trình làng truyện vừa “Người trở về”, một trong những tác phẩm cho thấy bước phát triển mới trong sự nghiệp viết văn của nhà văn. “Với thói quen của một ngòi bút xông xáo, khi quan sát hiện thực, Nguyễn Khải thường có nỗi náo nức khôn nguôi là cố đi tìm cho ra những nhân vật trẻ khỏe, cái yếu tố đang lên trong xã hội, nhân vật sẽ đóng vai trò chính trong cuộc sống tương lai” (Vương Trí Nhàn).

“Người trở về” xây dựng hình ảnh người lính phục viên. Thay bộ quần áo lính, họ về với đời thường, mang theo nhiều dự định. 

Đó là Biền, chủ nhiệm hợp tác xã Đồng Tiến. Anh ra quân vì hoàn cảnh gia đình neo túng quá: “vợ bị hậu sản, hai đứa con dại, nếu không có cánh tay của người đàn ông thì biết xoay trở ra sao”. Lúc đầu anh được bầu làm tổ trưởng đảng xóm Bình Chính, ở trong ban chỉ huy xã đội. Rồi anh trúng cấp ủy. Anh nhận nhiệm vụ với thái độ hờ hững vì chỉ định ở nhà hai năm ổn định gia đình sẽ xin đi làm ở nhà máy hoặc cơ quan trên tỉnh. Sau cuộc đấu tranh với bí thư chi bộ Tiến, một cán bộ biến chất, Biền “đã thấy được phương hướng hoạt động của mình, vị trí chiến đấu của mình sau khi rời hàng ngũ quân đội, trở về quê hương” để trở thành người chủ nhiệm hợp tác xã được đông đảo bà con tín nhiệm.

Đó là Khang, rời quân ngũ trở về với lòng hăng hái muốn được góp sức xây dựng quê hương, chất vấn cả chủ tịch xã Mão: “Tại sao anh em thanh niên không có phòng đọc sách báo?”, “Tại sao lại chưa làm sân bóng?”, “Tại sao chưa lập một đội văn nghệ nghiệp dư của hợp tác xã?”,  nhưng lại có cái nhìn khắt khe, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông với những người thôn quê. Trải qua nhiều việc, anh đã tự nhận: “anh chưa hiểu được sự đổi thay của quê hương mình, anh nghĩ chỉ có những người đã được đi mới có những thay đổi, còn những người ở lại trước sau vẫn như cũ, chỉ vì anh mới chỉ nhìn cái bề ngoài mà chưa biết nhìn cái bên trong”. Anh nhìn Thảo, người yêu mình, cũng với con mắt như thế nên có phần coi thường, để đến khi mất cô, chứng kiến sự năng động, hiểu biết của cô anh mới tiếc nuối.

Tuy vậy, vẫn có những người thờ ơ với mọi việc xung quanh, chỉ nghĩ đến bản thân như Thọ, anh trai Khang, từ khi giải ngũ không muốn tham gia hoạt động của xã, chỉ biết ngồi nhà than thở, hay Trường, đội trưởng một đội sản xuất, luôn có vẻ có mưu tính riêng,…

Nhưng trên hết, đứng trước khó khăn, thái độ của những anh bộ đội Cụ Hồ vẫn như lời Biền nói với Khang buổi đầu:

“Nhưng làm việc ở xã chỉ có lòng hăng hái thì chưa đủ, mà còn phải biết nhẫn nại, biết chờ đợi, và chớ có một lúc nào được nản lòng.”

“Thật ra người trong cuộc nhìn mọi việc bao giờ cũng lạc quan hơn người đứng ngoài. Cho nên người có lòng tin mạnh nhất là người đang hành động. Kẻ trèo cây không sợ ngã, mà kẻ đứng dưới sợ ngã là như thế. Hãy bắt tay vào công việc đi, rồi thì mọi sự sẽ trôi chảy tốt đẹp cả. Đó cũng là phương châm hoạt động của chúng mình.”

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?