Câu chuyện bắt đầu từ việc làng Phượng phải phá đình làng theo lệnh “tiêu thổ kháng chiến” của cấp trên để giặc không thể dùng nơi đó làm nơi đóng quân. Éo le thay, nơi hậu cung của đình lại là hầm bí mật của chị Thảo – Bí thư huyện ủy dùng làm nơi ẩn nấp kể từ ngày quân Pháp quay trở lại để chỉ đạo phong trào. Một bài toán khó đặt ra: Đình làng Phượng cần giữ lại trong khi đình làng Trung, làng Yên thì phá cùng với các nhà xây kiên cố, hai tầng của tổng Phượng Trung Yên…
Bấy giờ, lực lượng trung kiên của ba làng Phượng – Trung – Yên được huyện giao việc lại đều ở làng Phượng, đấy là: Thiện (bí thư chi bộ), Bính (xã đội trưởng) và Quý. Cả ba đều là người có văn hóa cao vì được đi học (trong khi đó hơn 90% dân làng còn mù chữ). Công việc đưa đẩy dần dà gánh nặng đặt lên vai Quý – một cảm tình của Đảng. Anh trổ tài viết đơn kêu với huyện xin được giữ đình làng (có sự hỗ trợ của chị Thảo). Với “bên ta” thế là ổn. Nhưng tới lượt quân địch cũng ra mặt muốn phá đình…