Người Đẹp Nghi Tàm – Bà Huyện Thanh Quan (Cuộc Đời Và Thơ):
Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ nữ xuất sắc trong nền văn học cổ điển Việt Nam. Bà chỉ để lại dăm bài thơ nhưng nó lại mang một giá trị trường tồn vì tính mẫu mực toàn bích theo thể đường luật và cái tình đời sâu xa ghi dấu một thời kỳ lịch sử. Điều đáng chú ý là từ xưa đến nay người ta luôn đánh giá cao thơ bà nhưng không ghi lại đựơc mấy về cuộc đời bà. Thậm chí hơn một thế kỉ qua, người ta còn không biết tên bà là gì, chỉ quen gọi bà qua chức danh của chồng bà thôi.
Khoảng trống vắng ấy trong văn học ở thời kỳ không xa chúng ta làm cho nhiều người yêu thơ buồn ngao ngán và nhiều người nghiên cứu văn học không khỏi áy náy. Tình hình đó còn khiến cho giáo viên dạy văn học trong nhà trường phổ thông gặp khó khăn lúng túng khi soạn giảng thơ Bà Huyện Thanh Quan. Không hiểu biết cuộc đời, hoàn cảnh, tâm tình của tác giả, làm sao hiểu hết ý tứ trong mỗi bài thơ? làm sao hiểu được những nguyên cớ gần xa làm nên "cái đơn độc lẻ loi đến nao lòng" của nữ sĩ trên Đèo Ngang giữa cung đường ngàn dặm hay nỗi buồn hoài cổ da diết đớn đau trong bài thơ "thăng long hoài cổ"?
Điều may mắn bỗng đến tình cờ. Nhà nghiên cứu Hán Nôm TảoTrang Vũ Tuấn Sán nhân dịch hộ gia phả họ Lưu làng Nguyệt Áng đã tìm thấy tên vợ ông huyện Thanh Quan Lưu Ôn là Nguyễn Thị Hình người làng Nghi Tàm. Giáo sư Bùi Văn Nguyên nhân đó công bố tên bà Hinh trên tạp chí "nghiên cứu văn học" số 12 năm 1962 trong bài: "Thử tìm hiểu tên thật của bà Huyện Thanh Quan", và ông Tảo Trang đã viết bài bổ sung trong "nghiên cứu văn học" đầu năm 1963. Điểm xuất phát đó đã khiến cho một số người yêu văn học về làng Nghi Tàm tìm dấu tích của Bà Huyện Thanh Quan, tìm gặp và hỏi chuyện bà con họ Nguyễn, hậu duệ của cụ đốc Nguyễn Lý ở Nghi Tàm, một dòng họ có truyền thống văn hoá, khoa bảng nhiều đời, và xin được xem gia phả, xem bia ký ở nhà thờ họ Nguyễn. Nhưng thực tế việc tìm dấu tích về bà Nguyễn Thị Hinh không dễ, do những khó khăn khúc mắc từ xưa, và do tâm lý của một số người trong họ Nguyễn ngày nay: là quân nhân phục viên, là những người lao động trồng hoa, ngần ngại về việc mở lại gia phả của một dòng họ có nhiều khoa cử, quan lại, có dấu tích về sở hữu vườn đất, mặc dầu nguồn gốc rất đáng quý. Tâm ý ấy ảnh hưởng bởi thời kỳ cải cách ruộng đất, mãi sau này mới được giải toả dần.
Mặc dầu vậy tập truyện "người đẹp Nghi Tàm" đã hoàn thành. Hình ảnh nữ sĩ – Bà Huyện Thanh Quan được khắc hoạ trong đời sống tâm tình có những éo le riêng, buồn vui bên những bài thơ của mình, trên bối cảnh của đất Thăng Long, láng hoa Nghi Tàm bờ Hồ Tây, làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, Hà Nội, và huyện Thanh Quan, Thái Bình. Tập truyện không thể thiếu được khung cảnh xứ Huế thơ mộng, nơi nữ sĩ – Bà Huyện Thanh Quan – làm cung trung giáo tập và giao lưu thơ với các thi sĩ đất thần kinh, dấu tích còn ghi lại ở một bài thơ của Mai An công chúa trong Diệu liên thi tập.
Tác giả mong rằng hình ảnh của nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh người con gái Tây Hồ này vượt thời gian và không gian đến với các bạn đọc yêu thơ trong mọi miền đất nước của đời này, để cho chúng ta cảm nhận được những gì thật thà giản dị mà tế nhị sâu xa trong tâm hồn của nữ sĩ và người thơ của 150 năm về trước gặp được tri ân trong thời đại ngày nay và mai sau nữa…
Mời bạn đón đọc.