Người Đàn Ông Có Đôi Mắt Trong
Tôi vội vàng nhắm mắt, tôi tưởng tượng cảnh tôi hôn cô, hai tay choàng lấy thân thể cô và tôi bắt đầu chìm vào dục vọng. Ai mà hiểu nổi khi kế tiếp trong mơ tôi thấy cô rụt rè theo tôi đến ngưỡng cửa, ngước mắt nhìn tôi hồi lâu, tôi khoác vai đưa cô vào nhà, cả hai ngã mình xuống ghế sofa và bắt đầu hôn. Tôi hôn thật nhẹ lên mo mắt cô. Khoé môi ẩm ướt và tình tứ, rồi cô đưa hai cánh tay bấu chặt lấy lưng tôi đầy mồ hôi. Khi ấy, ngay cả những cơn gió thoảng qua khe cửa cũng không đủ sức làm dịu mát cơn nóng bỏng nơi tôi.
Cô, cuối cùng đã thuộc về tôi, hoặc tôi, bị cô xâm chiếm.
Tôi mới tin rằng một người đàn ông muốn và thậm chí đã làm tình trong mơ với một cô gái không quen là chuyện hoàn toàn có thật.
“Tại sao giữa hai người độc thân yêu nhau, vẫn có thể gọi nhau là người tình?
Đôi khi, tôi nằm úp mặt xuống gối, miên man trong dòng suy nghĩ vô định, run lên vì hồi hộp đợi chờ những ngón tay anh vuốt nhẹ sống lưng tôi, anh làm thật khẽ và nói tôi hãy tận hưởng cảm giác này đi, đừng lo âu gì cả, rằng anh chỉ có duy nhất một mình tôi mà thôi.
Thi thoảng, anh nhắc đến danh từ “Vợ” mà tôi luôn cố tình viết hoa trong tâm trí. Người đàn bà sẽ sống chung với anh sau này, một người sẽ phải, nhất thiết phải mập mạp, hông to, ngực nỡ, tóc dài, nấu ăn ngon, biết lắng nghe, chịu đựng, sinh cho anh thật nhiều con. Người mà tôi không thấy hình ảnh mình trong đó. Dĩ nhiên, không phải trong lúc âu yếm như thế này vì tôi sẽ, một là nổi điên, hai là cụt hứng, mặt xị xuống, mặc lại tất cả những thứ đồ anh đã cởi bỏ lên người rồi rời khỏi anh, biến mất, ngay lập tức.
Nhưng tôi đã chưa bao giờ tắt điện thoại được quá một ngày. Và cũng không thể từ chối anh quá một đêm, trừ khi anh ở một nơi rất xa. Vì công việc anh thường xuyên phải xa tôi. Khi anh ở xa, tôi thường ẩn mình trong bóng đêm đêm u ám, uống thật nhiều càphê đen, nghĩ đến và dằn vặt sự mê muội của mình, yếu đuối là khởi thuỷ của sự mê muội. Hay tâm hồn tôi bị anh chiếm lĩnh. Dù anh không phải mối tình đầu tiên, mối tình thứ hai và kế tiếp của tôi. Nhưng tôi tin anh là cuối cùng. Vì sau anh chẳng thấy ai còn là hấp dẫn, ngay cả khi vì quá nhớ anh, tôi đi bar chơi rất khuya và suýt nữa thì chịu cho một chàng trai hai mươi tuổi ghé sát tai khen tôi quyến rũ và âu yếm hôn tôi.
Chung thuỷ.
Tự giác và rành mạch.”
(Người Tình)
Mục Lục:
Độc giả
Người đàn ông có đôi mắt trong
Cô gái ở tiệm bánh Pizza
Rũ mục và ẩm ướt
Thế giới khác biệt
Thiên đường lạnh lẽo
Thiên Bình
Người tình.
Mời bạn đón đọc.
“Người đàn ông có đôi mắt trong” – sự trở lại ấn tượng của Cấn Vân Khánh
(VTV 31/12/2007)
Cấn Vân Khánh là cái tên đã trở nên khá quen thuộc với những độc giả trẻ yêu văn học. Được biết đến nhiều hơn sau tập truyện ngắn “Khi nào anh thuộc về em”, Cấn Vân Khánh đã làm được điều mà rất nhiều nhà văn trẻ trên con đường văn học của mình còn đang ao ước, đó là tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả với dấu ấn về phong cách riêng của mình. Sự trở lại lần này của Cấn Vân Khánh với “Người đàn ông có đôi mắt trong” là một sự trở lại được nhiều độc giả mong đợi.
Tình yêu trong “Người đàn ông có đôi mắt trong” của Cấn Vân Khánh làm cho độc giả cảm thấy thân thuộc. Những ngọt ngào, rung cảm, những mong đợi và đam mê tưởng như đều là những xúc cảm chân thật nhất mà Cấn Vân Khánh lấy ra từ chính cuộc sống này, góp nhặt từ chính tình yêu của cô. Nhưng nếu muốn tìm những cuộc tình ngọt ngào như kẹo, lãng mạn như hoa hồng ở tình yêu trong văn chương của Cấn Vân Khánh thì có lẽ sẽ rất khó. Tình yêu trong “Người đàn ông có đôi mắt trong” của Cấn Vân Khánh là những dày vò, những xúc cảm mạnh mẽ, đôi khi là những dằn vặt đến đau đớn. Tình yêu đó là thứ tình yêu đôi khi là cay đắng nhưng nồn nàn.
Trong “Người đàn ông có đôi mắt trong”, bạn đọc dễ dàng bắt gặp mình trong hình ảnh của những nhân vật, những số phận, những nỗi buồn, niềm vui của chính mình. Cũng có thể, nếu muốn tìm một sự tĩnh tại, một cảm giác thư giãn thì độc giả không nên đọc tác phẩm này, bởi khi đọc “Người đàn ông có đôi mắt trong” thì bạn sẽ phải ngẫm ngợi và suy tư vì nó đời quá, nó khao khát và dằn vặt quá, tình yêu nhiều lúc cũng khiến người ta đau. Đau chung với số phận của một người phụ nữ chán chồng, đau chung với tình yêu đơn phương của một chàng gay trẻ tuổi, đau cùng nỗi niềm của chính tác giả khi cảm thấy mình bất lực trước yêu thương…
Tình yêu luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt để cho những nhà văn trẻ khai thác trên trang viết của mình. Họ có thể biến đề tài này thành những món ngon trên bàn tiệc để phục vụ độc giả yêu văn chương bằng tài năng thiên bẩm của mình. Nhưng có lẽ, nếu không có những rung cảm thật sự của trái tim với tình yêu thì những món ăn đó cũng rất khó vừa lòng thực khách.
Khi đọc “Người đàn ông có đôi mắt trong” của Cấn Vân Khánh có lẽ những “thực khách” đã từng nếm trải tất cả những hương vị của tình yêu sẽ cảm thấy vừa ý, vì Cấn Vân Khánh đã viết tình yêu bằng chính những rung động của con tim mình.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ Tư, 26/03/2008)
Các tác phẩm của những người viết trẻ |
Văn học trẻ đang sôi động khi hàng loạt cây bút trẻ đã định vị tác phẩm của mình trên kệ sách. Nhiều tác phẩm mới ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Góp phần tạo nên diện mạo cho dòng văn học trẻ hôm nay là những trang viết biết tạo ra một giọng điệu riêng.
Góc nhìn của người viết trẻ
Chọn đề tài về một nghề thời thượng – thiết kế thời trang, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã chinh phục độc giả trẻ bằng truyện dài Công ty (NXB Trẻ, 2008). Trong vòng một tuần, Công ty đã được tái bản với số lượng 2.000 cuốn, bằng với số lượng phát hành lần đầu tiên. Làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này là nhịp sống trẻ trung của các nhân vật trong truyện. Những trí thức trẻ bước vào đời tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng, dám sống, dám làm. Họ trải qua nhiều biến cố trong đời để ngẫm ra giá trị của cuộc sống.
Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc cũng vừa định vị trên kệ sách hai tác phẩm Đi tìm hình cuộc sống (NXB Kim Đồng) và Đánh rơi buổi chiều (NXB Trẻ). Mỗi câu chuyện là một cận cảnh về cuộc sống cùng những suy nghĩ của tuổi trẻ. Trong khi đó, đề tài tình yêu của Trần Thu Trang cũng mang đến một sức sống khác. Những cảm giác tươi mới, tràn đầy hơi thở và ước vọng của tuổi trẻ trong những tác phẩm Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, Nhật ký tình yêu (tác phẩm vừa được tái bản) của Trần Thu Trang cũng đã được các độc giả trẻ đón nhận.
Những giọng điệu riêng
Nhiều người viết không chấp nhận theo những gì đã có mà thể hiện khát vọng muốn tìm một lối đi khác. Có thể nói, Vũ Đình Giang là một trong những tác giả như thế. Giang luôn khiến người đọc phải nghĩ về những góc khuất của cuộc sống qua các tác phẩm Trên đất lạ, 16 m2, Vũ trụ câm… Tiểu thuyết Song song (vừa được NXB Văn Nghệ ấn hành) cũng không phải là một thử nghiệm mới về đề tài đồng tính mà là một bước đi dài và sâu hơn, nhiều day dứt hơn của Vũ Đình Giang. Những nhân vật H, G.g, Kan, P… giống như những con cá mắc cạn, ngụp lặn tìm đường thoát khỏi vũng lầy. Họ chỉ được sống cuộc đời thật của mình khi “mặt trời biến mất”. Còn ánh sáng chỉ là phương kế để họ sinh tồn. Hai mảng màu song hành cùng nhau.
Vũ Đình Giang lúc nào cũng khiến cho người đọc một cảm giác nghèn nghẹn, ray rứt ám ảnh trước những cảm xúc phẫn uất bủa vây của những thân phận dị biệt. Còn cây bút nữ 29 tuổi Phan Việt cũng khiến người xem ngỡ ngàng với tác phẩm Tiếng Người (NXB Trẻ, 2008). Ngỡ rằng Phan Việt cũng sa vào lối mòn của những câu chuyện tình yêu với đủ mọi cung bậc như vẫn thường thấy, nhưng Tiếng Người lại là những dằn vặt không thể ngờ.
Trong khi đó, tác giả Dương Bình Nguyên lại chọn góc cuộc sống nơi miền sơn cước. Dễ dàng tìm thấy những trăn trở của tuổi trẻ trong các tập truyện Làng nhan sắc, Về lại thiên đường, Hoa ẩn hương, Giày đỏ (NXB Hội Nhà văn) của cây bút quê Thái Nguyên này; nhưng nổi bật hơn hết vẫn là bức tranh về đại ngàn, về giấc mơ của những con người miền đá núi. Đọc văn của Dương Bình Nguyên, người đọc chìm vào những gam màu của đêm, của nuối tiếc và day dứt nhưng cũng nhìn thấy một vệt sáng rọi vào mỗi bước đi. Tác giả có thể mở ra cho nhân vật một lối đi rất rộng, nhưng cũng có thể là đưa đến bờ vực rồi để cho nhân vật tự tìm thấy bầu trời.
Dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt thì mỗi người viết trẻ đều phải tìm một đề tài riêng và theo đuổi đề tài đó đến cùng. Có như thế mới tạo nên một diện mạo riêng cho các tác phẩm của mình mà cũng chính là góp một gam màu đặc trưng tô điểm cho bức tranh văn học trẻ.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn