Đọc Người chết thuê, ướm mình giữa từng câu chữ sấp ngửa, đan chéo của hôm qua và hôm nay, của bao mộng ước hôm sau nữa, dễ khiến người ta lởn vởn trôi trên những đụn mây thiên di, chỉ chờ đủ nhân duyên sẽ sà cơn mưa tưới mát ngay cho cuộc đời vốn dĩ không thể êm đềm.
Là một trong số ít cây bút trẻ có ý thức làm mới mình, chú trọng suy tư cả về ý tưởng lẫn phong cách, Thái Cường với lần trở lại này đã lột xác hẳn so với Những mảnh mắt nhìn và Gam lam không thực.
Chọn lối trần thuật song song điểm nhìn làm điểm tựa, Người chết thuê dung hòa giọng văn mạnh bạo trên nền phương ngữ đậm chất vùng miền, vẽ nên mùa hè đáng nhớ của nhóm bạn trẻ đương độ “bẻ gãy sừng trâu”. Những cô cậu mới lớn này cùng nhau rong ruổi, lăn lộn với đời, đánh nhau đôi ba lượt lại cặp vai bá cổ dìu nhau qua từng ghềnh thác dại khờ, cứ thế vươn mình như cành khô gai góc, tự học cách trưởng thành bởi bao lần hoang mang, đổ máu, cả ngây người khi cơ thể lên tiếng.
Chìm trong những quãng văn được Thái Cường tận dụng triệt để cách viết đặc tả trên chuỗi tình tiết lúc miên man, lúc bất cần, bất cứ ai cũng thoáng thấy đâu đó bóng dáng chính mình của một thời tập tành say trong khói thuốc, nốc rượu cho thân tàn bệt bã, rồi ngàn vạn câu hỏi nhưng chẳng lần nào có đáp án, rồi những nỗi niềm giấu đi cho tới ngày chịu hết nổi phải òa nhiệt.
Lim dim và sặc sụa, tuổi trẻ cứ làm vẻ sành điệu cho đời biết tên nhau, nhưng lại là cả một thiên đường ắp đầy những bóng vỡ mà sau này có dịp ngồi ru ca bềnh bồng thêm lần nữa, chắc gì tay chạm đã với tới khi bao hoa mộng sẽ mãi tan biến giữa bức tranh mưu sinh hiện thời.
Thanh xuân bay đi, sầu vương gửi lại, đám bạn năm xưa giờ đứa giàu có, đứa con cái, đứa đã chết, cái chết dài dằng dặc như chưa từng dứt, như những mảng vôi rồi cũng trát thành vách tường sáng loáng. Sau ba mươi, có nhớ, có mong, vẫn phải rã rời trên phận đời, để một lần nào đó dợm lòng ngẫm lại cõi nhân sinh, tự dưng dụi mắt ngó trời, chợt khóc ròng thương những năm mười bảy.
Trần Huy Minh Phương
(Nhà văn – Nhà thơ)
Mời bạn đón đọc.