Có một cô gái nhỏ nhắn, kính trắng trông vừa thông minh vừa nghịch ngợm trên khuôn mặt có đôi chút trẻ thơ. Cô gái trông chỉ ngoài tuổi đôi mươi ấy có cái duyên may mà bao người ao ước: được rong ruổi đó đây ở nhiều xứ sở xa xôi.Trên những chặng đường đi qua, cô khám phá không chỉ vẻ đẹp mê đắm của thiên nhiên, sự quyến rũ của những công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn khám phá cả những món ăn thừc uống ngon lành hấp dẫn. Nhưng cô không thụ hưởng riêng mình mà kể lại cho nhiều người những ngọt ngào đã ném, những xúc cảm đã trải bằng những bài viết cùng hình ảnh. Độ đôi ba năm trở lại đây, tên cô xuất hiện khá nhiêu trên báo và tạp chí. Một cái tên cũng khiến người ta dễ nhớ khi từng biết đến.
Trong số những câu chuyện kể của Uyên mà tôi rất thích có Ăn Ý. Một cái tựa báo thật khéo, ngắn gọn mà súc tích, hàm chứa cả sự khoái khẩu của người viết với các món ăn đặt trưng của xứ Ý. Không riêng chỉ những bài viết về ẩm thực, trong nhiều bài viết của Giáng Uyên cô thường kể chuyện ăn uống ở xứ người. Dường như khi nói đến các món ăn thì tác giả trở nên thật hào hứng. Mà đâu chỉ trong các bài du ký châu Âu. Trong tạp bút Quê quán tôi xưa gửi về từ Anh (đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật), những hồi nhớ về chén cơm nguội với cá cơm kho tiêu thật cay, rồi món bánh căn và tô bánh canh cá dầm sao mà ý nhị, sao mà da diết!
Ngô Thị Giáng Uyên là hình ảnh khá tiêu biểu của một lớp trẻ có học vấn, có tri thức, biết nắm lấy những cơ hội. Cô cựu sinh viên Đại học Ngoại thương ấy từng làm việc cho một công ty lớn của nước ngoài, và là người miền Nam duy nhất nhận được học bộng Chevening năm học 2004 – 2005 để sang Anh học MBA tại Đại học Southampton.
Thời gian học ở Anh cũng là lúc Giáng Uyên có những chuyến đi đến nhiều đất nước ở châu Âu. Có lẽ đó cũng là thời gian cô viết được nhiều nhất. Tập sách này chỉ mới là một phần trong câu chuyện kể thật sống động của Uyên.
NGUYỄN TRỌNG CHỨC
(Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
“Tôi không muốn kể lại vì sao tôi đã bị mất cắp trên chuyến xe buýt ấy, toàn bộ ba lô trong có hộ chiếu, hai máy ảnh, thẻ sinh viên, toàn bộ tiền mặt để dùng trong chuyến đi và rất nhiều quà Noel cho gia đình bạn tôi. Cảm giác bàng hoàng khi khám phá ra điều ấy làm tôi giận đến nghẹt thở. (Sau này xem phim “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” bản mới của Disney, đoạn nhà khoa học khờ khạo người Anh Phileas Fogg bị lừa lấy cắp hết hành lý ở San Francisco ai cũng cười rộ lên trong khi tôi buồn thiu vì nhớ lại hoàn cảnh tệ hại tương tự của tôi ở Innsbruck). Tôi không còn một mẩu giấy tờ tùy thân; thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng mang theo để rút tiền cũng mất nốt và trong túi chỉ còn lại vài euro tiền xu đủ để ra buồng điện thoại công cộng gọi về ngân hàng ở Anh báo hủy thẻ.
Anh chàng cảnh sát trẻ ở đồn cảnh sát thành phố có khuôn mặt hiền lành, hai má bầu bầu phúc hậu. Anh chăm chú nghe những câu nói rời rạc vô nghĩa của tôi, ân cần “Trông cô không được khỏe. Chúng tôi đã ghi lại những gì cô nói và sẽ cố gắng, nhưng có lẽ cô nên về nghỉ, sáng mai quay lại đây sẽ bình tĩnh hơn”. Rồi thấy vẻ hoảng loạn của tôi, anh từ tốn: “Ngày mai khi cô trình bày rõ hơn, chúng tôi sẽ cấp một biên bản cảnh sát, có nó cô sẽ làm lại được hộ chiếu”, ngưng một chút, anh bảo “Tôi có Internet ở đây, cô có muốn email cho công ty bảo hiểm du lịch hay ai đó không?”
(Trích “Giáng Sinh Trắng”)
Mời bạn đón đọc.
Mùi hương qua từng ngón tay
(Ngày 20-04-2007)
Cuốn sách của tác giả Ngô Thị Giáng Uyên đã gây ấn tượng với tôi ngay từ tựa đề Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (NXB Trẻ, xuất bản ngày 31-12-2006)- một chút gì đó ngộ nghĩnh pha lẫn nét hồn nhiên, dễ thương nhưng không kém phần sâu sắc. Qua chuyến đi Thụy Sĩ, Giáng Uyên viết bài Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương; ban đầu đó có thể là mùi hoa oải hương hồn nhiên vương trên ngón tay của cô, cũng như chính tâm hồn của Giáng Uyên hồn nhiên đón nhận, lưu luyến nó…
Nhưng khi lấy Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương để đặt tựa đề cho cả cuộc du ký châu Âu, hẳn Giáng Uyên không còn phản xạ tự nhiên “đưa tay lên mũi ngửi” khi chợt nghe thoang thoảng mùi thơm của hoa oải hương nữa mà thật sự nó đã ngấm vào hồn của cô; cô nâng niu, trân trọng mỗi “mùi hương” của từng vùng đất cô đi qua như cố níu giữ lại cái đẹp cho bản thân mình, chia sẻ cùng mọi người, chia sẻ cho cả cuộc đời này…
Đọc Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, ta không những cùng Uyên du ngoạn, cùng khám phá những vùng đất đầy quyến rũ, mới lạ mà Uyên còn giúp ta ngộ ra nhiều điều thú vị, ý nghĩa. Tôi thích Uyên ở “gu” thẩm mỹ: đầy chất thơ, lãng mạn nhưng không kém phần nhân văn; tôi thích Uyên ở bản lĩnh của một trí thức trẻ; và trên hết tôi rất thích một Giáng Uyên với cá tính táo bạo, “cái tôi” hơi “ ngông” một chút…
Thật sự tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước Uyên, những gì Uyên làm được đó chỉ là niềm mơ ước của tôi, và tôi đã dần nuôi niềm ước mơ đó khi gấp trang cuối cùng của cuốn sách lại. Cũng như Uyên, tôi mơ ước một ngày nào đó nước mình cũng có chương trình đi “gap year” tình nguyện như trong bài “Nào cùng đi “gap year” tình nguyện…” mà Giáng Uyên miêu tả; tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ chương trình hội thoại quốc tế giữa sinh viên với những nhà lãnh đạo diễn ra tại thành phố St.Gallen, Thụy Sĩ qua bài viết “Nơi gặp gỡ của hôm nay và ngày mai”; tôi cũng đồng tình với Uyên, cũng thấy chạnh lòng trước thời kỳ đi “hôi của” của một số cô nàng trẻ đẹp, đỏng đảnh; thói tiêu xài tiền phung phí, thói học đòi của một bộ phận thanh thiếu niên ở Việt Nam qua bài “Hội chợ phù hoa”… Và có thể nói, giá trị của cuốn sách còn thể hiện ở chỗ nó đã gieo vào lòng giới trẻ tinh thần nhiệt huyết- nhiệt huyết của tài năng, của bản lĩnh…
Uyên tự hào khi khoe với bạn bè, với người thân, với những nơi cô từng đi qua rằng Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương. Và sự thật Uyên đã truyền “mùi oải hương” ấy qua từng “ngón tay” mọi người…
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn