Ngồi (Tiểu thuyết mới của Nguyễn Bình Phương)
“Khi cơn giông kéo đến sát hồ thì mình và Kim gấp mảnh áo mưa chạy về phòng. Chớp loàng nhoàng lướt trên bầu trời, chúng soi tỏ những đám mây to nặng nề đang xoà xuống mỗi lúc một thấp. Nước hồ co thắt lại với màu ghi xám rồi đột ngột cuộn lên như có con vật khổng lồ vùng dậy. Mình hỏi, có đẹp không? Kim nép sát vào mình, em sợ. Và mưa đổ xuống muôn vàn âm thanh. Kim nhìn mình sau đó quay người về vị trí cũ, cánh của màu thanh niên bị khuất lấp. Cả hai im lặng nằm bên nhau cho tới gần sáng thì mình thiếp đi. Mình đã mơ thấy mình đội nước đi lên, cao to lực lưỡng với đôi mắt rực lửa, cái miệng mở rộng, mái tóc xoã xuống vai, sau mỗi bước đi của mình nước bắn cao hàng chục mét. Lúc tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ đó mình láng máng rằng mình thực sự còn lại một cái gì nữa chứ không phải chỉ là thế này.
…
Do vội vàn Khẩn đặt Nhung nằm trái chiều với lần trước nên tấm gương thu được hình ảnh hai nửa trên của họ. Áo được cởi, vội vã đến mức gần như vứt bỏ một cách giận dữ, da thịt lồ lộ phập phồng với hai bầu vú bị đè bẹp sang hai bên nhưng không cảm giác đau đớn mà sung sướng mãn nguyện. Tấm gương cảm thấy nghẹn thở khi hai cái miệng nghiến ngấu bập vào nhau, vật lộn, thoát ra thở, lại sấn vào, lăn từ trên xuống lại lật từ dưới lên, nhễ nhại, giàn giụa. Rồi cuối cùng hai cái miệng cũng rời nhau ra để cái miệng có vết son há to, đôi mắt nhắm nghiền như chăm chú lắng nghe sự di chuyển của bầu không khí trong phòng. Sau đó tiếng kêu cất lên thất thanh, dài dại làm bản thân chiếc gương cũng rung động và hình ảnh nhoà đi nhoà đi nhoà đi…”
“Ngồi” – Cuốn tiểu thuyết mới đang gây dư luận |
(SGGP Ngày 17/12/2006) |
Gần đây, nhiều độc giả Hà Nội đang đi “săn” cuốn “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương, một tiểu thuyết mới mang cái tên lạ và nội dung gây nhiều tranh cãi. Có thể thấy, trước sự vắng bóng những cuốn tiểu thuyết mới của Việt Nam, thì “Ngồi”• thực sự đã cuốn hút độc giả. Một người bán sách trên phố Nguyễn Xí cho hay: “Cuốn “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương bán khá chạy trong nhiều tuần nay. Một hiện tượng hiếm thấy đối với những cuốn tiểu thuyết mới trong nước”. Có thể thấy, những trang truyện của Nguyễn Bình Phương lay động độc giả bằng những câu chuyện đời thường: tình ái, kiếm tiền, cuộc sống thiếu thốn, sống thử, đảng viên hủ hóa, cặp bồ… của giới công chức, xoay quanh các nhân vật: Khẩn, Minh, Nhung, Nghĩa, Hùng, Liên, Thúy, lão Việt, Thái, Vận, Kim, Hoàng Lân, Quân… Trong đó Khẩn là nhân vật “con cưng” của tác giả, đồng thời cũng là nhân vật mang tâm lý và hành động phức tạp nhất. Đặc biệt, chuyện tình ái của Khẩn với cô gái nhà lành, cũng như các cô nàng đàng điếm đều mang trạng thái của một kẻ đi tìm những khát vọng siêu thực, biểu hiện sự bức bối không lối thoát của một công chức vừa máy móc, vừa ham sống buông tuồng. Nhân vật Thúy có chồng bỏ đi biệt tích cũng là điểm nhấn trong tác phẩm, với thực tế không ít gia đình đang diễn ra hoàn cảnh như vậy. Chị K.N., phóng viên một tờ báo nhận xét: “Theo tôi, Nguyễn Bình Phương đã tung cuốn sách ra đúng thời điểm trên văn đàn hiếm những cuốn sách hay gây dư luận, mà “Ngồi” là cuốn tiểu thuyết khá độc đáo. Truyện phản ánh khá thực tế sự chuyển đổi về tâm lý của giới công chức trong một xã hội đang chuyển mình. Yếu tố sex đã càng làm cho độc giả thấy rõ sự lùng nhùng của số công chức trong xã hội”. Nói về tiểu thuyết “Ngồi”, nhà văn Nguyễn Bình Phương có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Báo SGGP: ° PV: Nhà văn có phản ứng gì trước những bài viết chê “Ngồi” không tiếc lời trên một số tờ báo? – Với tôi, chê cũng là chuyện bình thường. Một cuốn sách ra đời, nó đã thuộc về độc giả nên phải có sự khen, chê. Những lời chê không tác động quá nhiều tới tôi, vì từ trước tới giờ tôi nhận được lời chê nhiều hơn khen. Điều đó cũng chẳng làm mất cảm hứng khi tôi tiếp tục đi tìm những cái mới trong sáng tác. Hay nói cách khác, căn cứ vào bản thân, tôi thấy cần làm mới thì tôi làm mới. Và chỉ có ý kiến của 1, 2 người là quan trọng đối với tôi. ° Phải chăng chê là một kiểu “ra đòn” để cuốn sách được bán chạy hơn? – Những cuốn sách của tôi luôn bán tốt khi tung ra thị trường. Cuốn tiểu thuyết “Ngồi” này cũng vậy. Tất nhiên, không ngoại trừ những cuốn sách bị phê phán luôn gây tò mò nơi độc giả. ° Khi những độc giả trẻ tuổi đọc “Ngồi”, anh muốn nói với họ điều gì? – Thực ra, trong cuốn sách, tôi không có thông điệp gì gửi tới tuổi trẻ. Bởi lẽ, so với tuổi trẻ, tôi đã già rồi, những người kém tôi 10 tuổi, tôi không hiểu họ. Cuốn sách này, tôi viết về sự giãy dụa của người công chức trong việc giữ gìn mô hình sống mẫu mực trước những cám dỗ của một xã hội đang phát triển. Có những cốt lõi mà họ không được vi phạm. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải đối mặt với cái đám lùng nhùng ấy. Tóm lại, tôi muốn phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời. Xin cảm ơn nhà văn! LÊ NHI |
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn