Ngõ lỗ thủng là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết vào những năm 80 (của thế kỷ 20). Câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết cũng là câu chuyện của chính cuộc đời ông. Đó là cuộc sống của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang bao sự đổi thay. Chỉ là một cái ngõ thông thường như bao cái ngõ quanh co của thành phố Hà Nội, nhưng ở cái ngõ đó, cuộc sống của những người công nhân, trí thức, thợ thủ công, lao động tự do được bộc lộ một cách đặc trưng nhất. Cuộc sống xoay, một nhà văn độc thân chỉ biết mê mải làm nghề và luôn chân thành, chân chất, thật thà trong tình yêu mà không hề biết đến những toan tính cùng cách sống thực dụng của người yêu. Sự va chạm giữa hai lối sống thực dụng, cơ hội với chân thật, hồn nhiên ẩn dưới những câu chuyện tưởng chừng hài hước nhưng không thiếu bi kịch…Ngõ lỗ thủng viết về những con người của một thời chỉ tin vào những tình cảm trong sáng. Nhóm người này quan niệm rằng: Sống ở trên đời có khó khăn đến đâu chỉ cần có tình cảm với nhau là vượt qua hết. Mặc dù thực tế là khi họ mang niềm tin, tình cảm đó để đi xin việc, đi nhờ vả thì chẳng ai đón nhận cả. Sự sụp đổ niềm tin đến không chỉ với nhóm bạn này, mà ngay với cả bà Điếc, một nhân vật có tên mà đã thành không tên trong đời sống. Trung Trung Đỉnh muốn đưa ra một thồng điệp về cuộc sống, về con người với những "lỗ thủng" – Đó không còn là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên, nó đã trở thành lỗ thủng của nhân cách, của tri thức, của văn hóa len lỏi trong từng con người".
Mời bạn đón đọc.