Ký ức là thứ duy nhất có thể nằm lại mãi mãi ở ngày hôm qua, trong lòng của mỗi con người. Cho nên, trân trọng quá khứ cũng là trân trọng chính cuộc đời mình đang có.
“Trên đường thiên lý, tôi tìm và đã gặp… Đó không chỉ là những kỳ tích chiến đấu anh hùng, những tấm gương kiên trung, bất khuất mà còn có những số phận con người, những ước mơ, trăn trở, uẩn khúc, nỗi đau… Có rất nhiều thứ bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian. Cả sự bạc đãi, lãng quên. Nhưng tôi tin không có gì mất đi. Không-ai-điều-gì bị lãng quên”. Đó là những lời tự sự của nhà văn Trầm Hương khi trở lại với cuốn sách Nếu như có linh hồn vừa được ấn hành.
Có lẽ, trong số những nhà văn viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở thời điểm này, Trầm Hương là một trong những người nặng nợ nhất với những thân phận của quá khứ, của tàn tích chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng mãi như một bức tường rêu kỳ bí mà thế hệ sau có tìm kiếm, khám phá bao nhiêu năm vẫn chưa thể nào khai mở hết.
Làm công tác bảo tàng, Trầm Hương có lợi thế là luôn tiếp cận được với đề tài lịch sử, tiếp xúc với những nhân chứng sống. Hành trình tìm kiếm của chị cứ thế nối dài thành trang viết. Nhiều năm trước, chị đã từng hàng tháng trời lặn lội tìm lại những nhân chứng sống để viết cuốn Đêm Sài Gòn không ngủ, bây giờ, với Nếu như có linh hồn chị tiếp tục cuộc trở về quá khứ, vực dậy cuộc sống của người đã khuất bằng ký ức của người còn lại.
Trầm Hương bảo, chị thường đặt câu hỏi: nếu như người chết có linh hồn, nếu như họ vẫn còn có tiếng nói thì họ sẽ kể lại điều gì đây? Những oan uất, những đau thương, chờ đợi, hy sinh, kỳ vọng… Và bằng ngòi bút của mình, chị thả vào tập truyện ký Nếu như có linh hồn hình ảnh của những người phụ nữ, đã sống và đã chết, giản dị và bình tâm, thánh thiện và cao cả như cuộc đời đã sinh ra họ, rồi chọn cho họ trái tim luôn biết hy sinh.
Mở đầu là câu chuyện về nữ du kích Bảy Huyền, qua lời kể của một người lính sống sót mang di vật của cô trở về. Bà mẹ già cứ ngỡ anh là người yêu của đứa con gái bé bỏng. Nước mắt chia ly lặn vào trong và những bí mật được gói kín bằng sự im lặng của người chiến sĩ. Anh không muốn kể thêm với người mẹ khốn khổ về sự ra đi của con gái. Nhưng ký ức về người nữ du kích xinh đẹp, dịu hiền và đã hy sinh để anh và đồng đội được sống sót vẫn mãi là một khoảng trời không thể nào quên. Chiến tranh đã lùi lại phía sau để những hy sinh cao cả mãi mãi trở thành vết son trên dấu nhấn thời gian.
Trầm Hương chọn kể về hình ảnh của người phụ nữ với những chiến công, những hy sinh thầm lặng. Có lẽ, nếu không có chị, những câu chuyện này cũng sẽ bị vùi lấp trong quên lãng khi người nằm xuống lặng lẽ như một nắm cỏ khô không tên gọi giữa đạn bom. Nhà văn đã gọi về hình ảnh của Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh vành đai Bình Đức Nguyễn Thị Bé Sáu – người đã bất chấp thân mình lao vào lửa cứu những đứa trẻ để rồi thân xác trở thành tro bụi, không kịp một lời từ giã, không di ảnh để lại cho gia đình… Nhà văn cũng tìm về những con người mà cho đến bây giờ họ vẫn chỉ là hình ảnh vô danh. Chỉ có trái tim kiên cường, bất khuất của họ là còn sống mãi.
“Đâu đó trên những nẻo đường đất nước, tôi cảm nhận được linh hồn của những người con gái chết trẻ còn quanh quẩn đâu đây. Tôi bị ám ảnh với câu hỏi, vì sao những người phụ nữ đẹp ấy phải dấn thân vào mưa bom bão đan, lại bom vùi, bị ném xuống sông, bị ngọn lửa thiêu đốt, bị vùi dập, bị cắt ra từng mảnh, bị kéo lê trên đường, bị đánh đập tra tấn cho đến chết?”, nhà văn trăn trở. Cũng vì lẽ đó, Trầm Hương đã đi tìm và trả trên trang sách những câu chuyện, để người đọc cùng chị cảm nhận rằng “chết đi không có nghĩa là hết”.
Nếu như có linh hồn, những con người đã ngã xuống có lẽ sẽ có ngày “trở về, quấn quýt cùng những người thân yêu trên dương thế, hóa thân vào từng ngọn cỏ lá cây của quê hương, trong hoa trái đầu mùa”. Ví von ấy như lời nhắc mỗi người chúng ta phải biết sống nghĩa tình, trách nhiệm, bao dung và chia sẻ.
Ký ức là thứ duy nhất có thể nằm lại mãi mãi ở ngày hôm qua, trong lòng của mỗi con người. Cho nên, trân trọng quá khứ cũng là cách trân trọng chính cuộc đời mình đang có. Có thể, những câu chuyện trong Nếu như có linh hồn cũng chỉ là những khoảng cắt về cuộc chiến. Chúng vẫn cho chúng ta hiểu: “Nếu như có linh hồn, những người nằm xuống sẽ nói với ta rằng họ muốn ta hãy sống cho thật trọn vẹn, thật hạnh phúc với cuộc đời mình”.
Bởi vì ai cũng chỉ được một lần để sống và để cho đi.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn