Mượn Xác Hoàn Hồn – Truyện Không Đọc Lúc Nửa Đêm:
“Chị Hậu lo lắng sờ tay lên tráng thằng bé. Vẫn còn sốt cao lắm! Từ sáng tới giờ chị đã cho nó uống hai liều thuốc hạ nhiệt và không ngừng chườm mát, vậy mà hình như nhiệt độ trong cơ thể nó càng lúc càng tăng lên cao thêm.
Thỉnh thoảng nó nhướng cặp mắt lờ đờ lên nhìn chị, cố gắng nhếch môi nở nụ cười gượng gạo để chị được yên tâm.
Nó bắt đầu sốt từ tối hôm kia, nhưng chị chỉ nghĩ đó là cảm sốt thông thường thôi nên chạy ra hiệu thuốc gần nhà mua một ngày thuốc về cho con. Nhưng cơn sốt không hề thuyên giảm.
Bây giờ chị thật sự lo lắng!
Đã vậy, sáng này lúc đi mua thuốc hạ nhiệt, cô dược sĩ có nói với chị một câu làm chị càng hoang mang hơn nữa:
– Chị ơi, nếu em bé ở nhà sốt cao không dứt, chị nên đưa em tới bệnh viện để bác sĩ khám xem sao. Mùa này đang có dịch sốt xuất huyết, nguy hiểm lắm đó chị!
Chị thương con quá nhưng cứ ngần ngừ không đưa nó lên bệnh viện. Thứ nhất là vì chị hy vọng chỉ chút lát nữa thôi, cơn sốt kia sẽ giảm, thằng Ân của chị sẽ ngồi dậy húp vội chén cháo như những trận đau ốm khác của nó. Thứ hai là …. hiện tại trong nhà chị chỉ còn được mấy chục ngàn đồng, hai hôm nay con bệnh, chị không đi làm được, chị biết xoay xở sao đây?
Nhưng bây giờ thì lòng chị đã như lửa đốt. Đôi môi thằng bé đã bỏng rộp lên rồi, nó cứ nằm mê man không còn ăn uống gì nỗi nữa!
Chị Hậu quyết định dù thế nào cũng phải đưa con tới bệnh viện!
Chị đứng lên, vội vã lấy mấy bộ quần áo của hai mẹ con nhét vào cái túi xách nhỏ, rồi hối hả chạy sang nhà bà Tám bên cạnh mượn tạm ít tiền.
Bà Tám tuy không giàu có gì, nhưng bà rất sẵn lòng giúp đỡ những ai trong cơn hoạn nạn.
Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng trông còn khoẻ mạnh lắm! Bà sống một mình vì con cháu đều có nhà cửa và công ăn việc làm ổn định ở xa.
Tiền con gái gửi về hàng tháng, bà Tám không xài hết. Bà già rồi, ăn uống có bao nhiêu. Vì thế, nếu ai đó trong xóm gặp phải hữu sự giữa lúc nhà túng bấn thường tìm tới bà, bà như vị cứu tinh của những người nghèo ở đó.
Trông thấy chị Hậu tất tả chạy sang, bà Tám hỏi:
– Có chuyện gì mà trông hớt hãi vậy con?
– Dạ….thằng Ân nhà con bị sốt mấy ngày nay, con cho nó uống thuốc hoài vẫn không đỡ chút nào. Lúc nãy cô bán thuốc bảo con nên đưa nó vô bệnh viện, vì lúc này đang có dịch sốt xuất huyết….Mà con thì …thì…
Bà Tám chắt lưỡi:
– Tội nghiệp dữ hôn! Ba nó bao giờ mới về? Con có nhắn cho ba nó biết tin chưa?
Chị Hậu buồn buồn:
– Dạ, hôm đi ảnh nói hết tháng này mới về, bây giờ mới được ba tuần… Mấy hôm nay con đinh ninh thằng Ân ở nhà cảm sốt thông thường nên cũng không nhắn ảnh về…Chút nữa lên bệnh viện, con ghét gọi điện nhắn ảnh về…
– Thôi, thôi! Vô nhà lấy điện thoại nhắn ba sắp nhỏ về cho mau rồi tao đưa cho ít tiền lo cho thằng nhỏ! Lẹ lẹ lên đi con!
Bà Tám gạt ngang. Bà kéo tay chị Hậu vô nhà, tới bên chiếc điện thoại để trên đầu tủ ly, bà Tám sốt sắng:
– Đó! Điện thoại đó, gọi cho nó đi con!
Chị Hậu lúng túng:
– Dạ, con …con đâu có biết…
Nghe chị Hậu nói vậy, bà Tám cười xoà. Bà quên rằng cả cái xóm này chỉ mới nhà bà có điện thoại.
Bà cẩn thận bấm từng số theo lời chị Hậu. Tới chừng bên kia đã có người bắt máy, bà vội vàng trao ống nghe qua tay chị, khẽ bảo:
– Nói đi con!
Chị Hậu đỡ lấy chiếc điện thoại nói mấy câu với người quản lý công trình, nhờ nhắn lại với chồng chị là anh Kha, công nhân xây dựng về nhà gấp, con trai đang đau nặng.
Chừng chị đặt ống nghe xuống đã thấy bà Tám đứng kế bên, trên tay cầm sẵn mấy tờ giấy một trăm nghìn đồng.
Bà dúi tiền vào tay chị, dặn dò:
– Nè, cầm tạm năm trăm ngàn về lo cho thằng nhỏ đi! Nếu cần thêm thì ba đưa một ít nữa! Bà không dám đưa một lúc nhiều tiền, sợ trong lúc bận rộn, lỡ rơi mất thì khổ! Thôi, về đi con, về lo cho thằng nhỏ!
Chị Hậu lí nhí cảm ơn bà Tám rồi vội vã chạy ra đầu đường kêu một chiếc xe ôm tới nhà chở con đi bệnh viện……”
Mời bạn đón đọc.