Xem sách hay

Mười Năm – Tiểu Thuyết

Mua ở đâu?
Tô Hoài

Tô Hoài

 Mười Năm – Tiểu Thuyết:
Tiêu biểu cho những người “anh hùng trong đời thường” trong 10 NĂM là Lạp, Trung, An, Nhàn, Hai Tâm… Họ có hòan cảnh xuất thân, trình độ văn hóa và nhận thức xã hội khác nhau, nhưng tất cả có chung một lý tưởng cách mạng: đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm lược và bọn quan lại phong kiến để có một cuộc sống mới độc lập, tự do. Trong quá trình tham gia cách mạng, họ vẫn bộc lộ những cá tính, thói quen, cách xử sự tốt lẫn chưa tốt, có khi như tách biệt khỏi tập thể, nhưng đã vào việc thì họ luôn làm hết mình, đòan kết và biềt gạt tình riêng để lo toan cho việc chung.

Là tác phẩm có chủ đề về lịch sử cách mạng, nhưng người đọc vẫn tìm thấy đây đó trong tiểu thuyết 10 NĂM những nét đẹp của đất trời và tình người trong lúc khốn khó trước ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, những hình ảnh lãng mạn của tình yêu giữa Lạp và Nhàn ở những phút cuối cùng trong một đêm mùa thu, để rồi sau đó Nhàn vĩnh viễn ra đi trong vòng tay người yêu…

” Trời lại dần dần vào mùa thu. Có những đêm thời tiết đột ngột đổi, gió nổi rào rào trên ngọn xoan, ngọn tre, những người đói trong làng nằm thúng thắng ho. Già lão chỉ đợi trở trời như vậy, là chết. Một đêm ông lão Vựng, bố anh Lê, ngồi chết ở gốc cây mít ngoài góc chợ với mấy người nữa. Thế là lại một ông thợ cửi già dệt lĩnh mười bàn giỏi nhất làng Hạ không còn.

Mặt trăng nẫu vàng như một cái lỗ thủng chuyển động trên vòm trời mù sương. Đêm thăm thẳm hút vào một vùng chết chóc.

Bảy đồng rưỡi bạc một đấu gạo. Mà một ngày quảy thuê không được nổi năm hào công. Khảo giá với nhau thế thôi, chứ gạo ở chợ làng cũng không có, phải nửa buổi lên chợ Cầu hoạ may mới được nhìn mặt hạt gạo. Đồng bạc với mấy hào giắt lưng chỉ mua nổi nắm nộm củ chuối ăn dần. Quần áo lướp tướp như khoác lá chuối. Cũng không còn biết xấu hổ. Lắm lúc người đói dường như người dở hơi, cả ngày nằm ngách xó luồn bắt con kiến, con muỗi mắt, cắn mấy con chấy vuốt trên đầu xuống nhấm ăn. Có lần, một mụ ở chợ ngắm Nhàn, bảo: “Cô này khéo lắm chỉ hai phiên nữa thì được về với các cụ”. Nhàn tất tưởi, vừa đi vừa khóc. Nhàn nắn cổ tay, cổ chân, vuốt má, vuốt mặt. Nhàn không bao giờ ngỡ mình đã phù nề. Có lúc ra bờ ao, soi mặt xuống nước, vuốt tóc, cười. Má phị, nặng, mọng, đùng đục, soi bằng được, Nhàn hơi nhích cười. Nhàn chỉ trông thấy cái cười.

Những lúc ấy, Nhàn nhớ Lạp.
Nhàn lại lần xuống nhà mẹ Lạp. Mẹ Lạp không phải người vùng này. Ở làng Hạ trước kia, cuối năm thường có những bác thợ khâu tay đến may quần áo Tết cho các nhà. Một bà thợ khâu già và cô cháu gái, hai bà cháu năm nào cũng từ Phủ Đình ra khâu đồ Tết ở làng Hạ. Mẹ Lạp ngày trước là cô cháu gái bà thợ khâu già ấy…”.

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?