Mùi trần cuốn hút vì những mối tình nối đuôi nhau, lãng mạn và bạo liệt. Nhân vật của tác giả uể oải ngay cả khi đang vui, luôn luôn không phải anh ta, cô ta mà là chúng ta thấy ngợp trong một đời sống nhạt nhẽo, ầm ào, loay hoay tầm thường. Nỗi buồn nản kể cả trong chuyện chàng nàng cũng làm nên một ám ảnh gần như là sống.
Nhiều người tứ xứ du nhập vào thành phố này. Trong cái hỗn độn cũ mới ấy thường thì ta hay gặp những người thành đạt phần lớn là người mới nhập cư. Thế nhưng cái cốt lõi thị dân lại không nằm ở họ. Lớp người cũ hơn vài đời có cách sống của mình. Khôn ngoan bặt thiệp hay buông xuôi an phận cũng là. Những nền nếp sinh hoạt của một thị dân lâu đời hơn thường nhỏ nhẹ, khép mình chẳng phải vì họ kém cỏi. Cũng không hẳn vì họ đã đủ đầy vật chất không cần phải vươn lên nữa. Dường như họ bằng lòng với cái sẵn có. Bằng lòng với vị trí bình thường của mình. Cái cốt cách ấy mai một theo thời gian và bị pha trộn khá nhiều trong khoảng thời gian chưa xa lắm.
Những nhân vật chính trong cuốn sách phần nào nói lên cái đời sống bề bộn huyên náo nhưng thực ra rất bình lặng của một lớp người chưa hẳn là già nua cũ kĩ lắm. Hình như đó cũng là một phần chân dung tương đối phổ biến của người Hà Nội.
“Với Đỗ Phấn, đọc văn ông cũng là đọc con người ông. Ít có tác giả nào mà chất tự truyện thấm đẫm trong cả sự nghiệp sáng tác chứ không chỉ một tác phẩm.“
“Và chính nhà văn Đỗ Phấn qua hàng loạt tác phẩm đã làm sống văn học thị dân Hà Nội. Nhân vật là nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, ca ve và tràn ngập mùi rượu ngoại. Một đời sống hiện ra, chi tiết và khái quát, chộn rộn và tẻ nhạt, mưu toan và cam chịu…”
— Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Mời bạn đón đọc.