Xem sách hay

Một Thời Hoa Lửa

Mua ở đâu?
Tạ Bích Loan- Nguyễn Trương Quý- Phạm Thu Nga- Phạm Thị Vàng Anh

Tạ Bích Loan- Nguyễn Trương Quý- Phạm Thu Nga- Phạm Thị Vàng Anh

TT – Ý tưởng thực hiện một cuốn sách từ chương trình giao lưu truyền hình “Một thời hoa lửa” ra đời khi những người thực hiện nhận thấy những tư liệu có trong tay quá phong phú, không thể chuyển tải hết trong thời lượng phát sóng có hạn.

Từ một tác phẩm báo chí trở thành một cuốn sách, làm sao để không khí xúc động của buổi giao lưu hiện trên mặt giấy, làm sao để những nhân vật được nhắc tới hiện ra dày dặn hơn, và làm sao để vẽ ra chân dung của một thời, đã có những câu chuyện ngoài hình.

Khác với chương trình truyền hình, nơi mà người dẫn chương trình (MC) là người kết nối các phần, quyết định rất lớn đến sự thành công; ở trang sách, nơi chỉ có những con chữ, người làm sách phải chấp nhận sự thiệt thòi hơn so với khả năng ngẫu hứng của MC.

Nhưng không vì thế mà không còn nóng hổi, mà không cảm động. Cho đến khi đã ra sách, đọc lại đến chục lần những dòng nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn, “cứ nửa giờ lại cảm tưởng như một lần khai sinh mới”, người thực hiện vẫn rớm nước mắt.

Khi bắt tay sắp xếp, chúng tôi hỏi nhau: mình sẽ phải viết gì đây giữa những dòng chữ của thời xa xôi đó, giọng điệu ra sao giữa ngổn ngang những câu chuyện sống chết rực lửa như thế? Những người làm sách cuối cùng thấy rằng “tự thân những hồi ức, những dòng nhật ký, những trang viết, những câu chuyện của đồng đội, của người thân về những người đã hi sinh, và của chính những người kể, là những chất liệu đầy xúc cảm”.

Chúng tôi đã không phải nói gì thêm nhiều, bởi những câu chuyện quanh cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thị xã – thành cổ Quảng Trị 33 năm trước đã đầy ắp cảm xúc và thông điệp. Và những người ngã xuống chẳng hề biết đến một huyền thoại mà mình vừa tạo nên, lời gọi cuối cùng của họ có khi là tiếng “mẹ ơi” vang lên rồi tắt nghẹn trên mặt sông hay những dòng viết ứa máu dặn dò người vợ trẻ báo trước ngày hi sinh…

Mùa hè năm 1972 ấy, những người trẻ tuổi Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, họ đã sống và chiến đấu như thế nào ở Quảng Trị? Bao nhiêu sự việc chi tiết li ti về đời sống người lính, về số phận, về sự sống và cái chết, về ý chí và đạn bom, dù cố gắng cũng không thể nói hết được trong một chương trình truyền hình, một cuốn sách. Gấp sách lại, mà vẫn cứ bàng hoàng về một thời tuổi hai mươi bi tráng như thế.

 
Mua ở đâu?