Nguyễn Trương Quý tiếp tục rong ruổi trên những nẻo đường Hà Nội với tập du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca”. Cuốn sách tập trung vào một lát cắt lịch sử của Hà Nội mà hình dung về nó còn bỏ ngỏ nhiều khoảng trống: quãng thời gian trước và sau 54 – giai đoạn thành phố bị tạm chiếm, cuộc kháng chiến 9 năm, cho tới những ngày đầu tiếp quản Thủ đô. Không có tham vọng lấp đầy những khoảng trống, Một thời Hà Nội hát chọn khảo sát một mảng hiện thực mà giới sử học thường ít chú ý tới: đời sống giải trí đô thị.
Trên tinh thần ấy, Nguyễn Trương Quý đưa người đọc đi trên con lộ lịch sử tân nhạc để khám phá cái mà anh gọi là “huyền thoại Hà Nội”. Huyền thoại ấy được thêu dệt bằng lời ca, tiếng nhạc, của những tên tuổi son vàng của âm nhạc nước nhà buổi đầu: những Nguyễn Thiện Tơ, Thẩm Oánh, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Trọng, Hoàng Dương,… Và đặc biệt là Đoàn Chuẩn – nhân vật chính của cuốn sách – người mà sự nghiệp sáng tác, vào thời điểm này, đang ở giai đoạn thăng hoa nhất. Qua đó, tạo dựng nên được những hình dung rõ nét về mỹ cảm và thị hiếu của thị dân Hà Nội một thời. Thú vị hơn, nó còn được phủ lên một lớp sương mờ của những mối tình nghệ sĩ hư ảo “như giấc mơ, chóng tàn vì vương muôn ý thơ”, rất khó để minh định hay xác quyết.
Mời bạn đón đọc.