Xem sách hay

Một Ngày Hè Ở Biển

Mua ở đâu?
Nguyễn Thái Hải

Một Ngày Hè Ở Biển

Có một chú bé mồ côi mười hai tuổi, sống trong Nhà tình thương.

Ban ngày, chú đi đánh giày kiếm sống, đêm về học lớp học tình thương.

Chú yêu mến bạn bè cùng cảnh ngộ trong Nhà tình thương, thích kể cho mọi người nghe chuyện của bạn bè mình.

Chú bé ấy đi khắp nơi trong thành phố, biết được, nghe được nhiều việc, nhiều điều trong cuộc sống. Vì thế chú cũng thích kể về những chuyện ấy.

Còn một điều đặc biệt nữa, là chú rất thích làm việc nghĩa, thích giúp đỡ bạn bè và mọi người chung quanh.

Những câu chuyện kể của chú bé có quen, có lạ; lại có cả chuyện như chỉ có trong trí tưởng tượng.

Chẳng sao cả! Những đứa trẻ, và cả nhiều người lớn nữa (trong đó có tôi – người chép lại), đều thích nghe chuyện chú kể là vui rồi.

Mọi người quen gọi chú là “Chú bé Phiêu Lưu”, chẳng ai còn quan tâm tới tên họ thật của chú bé nữa!

***

Trích đoạn

Huyền là một trong số mấy đứa con gái ít oi của nhóm chúng tôi. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, được chú ruột nhận nuôi chưa tròn năm thì nó bỏ nhà đi vì bị chú bắt làm việc nhà như một ô-sin. Nhưng quan trọng hơn cả là nó không được đi học nữa. Lang thang được vài tháng thì Huyền gặp anh Hùng công an khu vực và được nhận về Nhà tình thương của phường.

Mỗi buổi sáng Huyền đến phụ việc ở một quán cóc không tên ven đường đối diện sân vận động thành phố, bán cà phê từ năm giờ sáng đến gần trưa. Buổi chiều nó dành cả cho việc học bài, làm bài đế tối đến lớp học tình thương. Nó không phải là đứa thông minh nhưng chăm chỉ, quyết tâm phải học cho đến khi lấy được bằng Tú Tài mới chịu! (Nhưng ở Nhà tình thương này người ta chỉ cưu mang chúng tôi đến mười tám tuổi, bây giờ con Huyền học lớp Bốn, đến lúc ấy không biết con Huyền sẽ lên được lớp mấy, có kịp thi Tú tài hay không?)

Huyền dễ thương, biết ứng xử tốt với mọi người. Chuyện “dễ ghét” nhất của nó là hay “tiên đoán” những việc sẽ xảy ra cho người nọ, người kia. Bảo là “dễ ghét” vì hầu hết những lời tiên đoán của nó đều… sai! Không biết từ lúc nào, chúng tôi đã đặt cho nó biệt danh là Huyền “thày bói”.

Chuyện xảy ra với Huyền “thày bói” trong chuyến đi nghỉ hè ở biển này bắt đầu từ buổi chiều nó đi lạc.

Số là sau mấy năm kiên trì vận động, anh Tiết “Đinh San”, bí thư Đoàn phường đã được một doanh nghiệp tư nhân ở Khu công nghiệp nhận tài trợ cho tất cả nhóm chúng tôi trong Nhà tình thương đi chơi biển hai ngày, một đêm. Tất cả chúng tôi đều chưa có đứa nào biết biển nên trong những giây phút đầu tiên được nhìn thấy màu xanh của biển, chúng tôi đều tròn mắt mà ngắm. Ôi! Cái màu xanh nước biển hóa ra đâu có phải chỉ một sắc độ như người ta in trên bản đồ. Màu nước biển có chỗ đậm, chỗ nhạt, lóng lánh bởi những gợn sóng phản chiếu ánh mặt trời!

Chúng tôi được cho đi tắm biển thỏa thích rồi mới về khách sạn nhận phòng. Anh Tiết “Đinh San” phổ biến chương trình tham quan buổi chiều và không quên căn dặn chúng tôi phải đi theo đoàn, không được tách riêng ra kẻo lạc. Thế mà sau khi tham quan Thích Ca Phật đài xong, đi xuống điểm tập trung, điểm danh rồi chờ đợi mãi vẫn không thấy Huyền “thày bói” đâu cả. Sau nửa giờ tìm kiếm không thấy, chúng tôi đành phải trở về với hy vọng tổ bảo vệ ở thắng cảnh này sẽ gặp được “cô bé trạc mười ba, uốn tóc xoăn” đến hỏi thăm tìm đường về.

Tám giờ tối thì Huyền “thày bói” về thật. Nó kể là trong lúc đi tham quan, nó thấy một cái động nhỏ nên tò mò chui vào rồi cảm thấy buồn ngủ và… ngủ quên trong đó. Khi giật mình tỉnh dậy thì trời đã tối. Sợ quá, nó vừa khóc vừa tìm đường xuống núi rồi nhờ người ở tổ bảo vệ đưa về. May mà nó còn nhớ được tên khách sạn.

Anh Tiết “Đinh San” sau một hồi “lên lớp” con bé đi lạc đã nhắc lại nội quy: “Phải đi theo đoàn, không được tách riêng”. Sau đó, vừa lúc anh bảo mọi người chuẩn bị ra xe đi xem phố đêm thì Huyền “thày bói” lên tiếng:

– Anh đang lo không biết bác tài ở đâu phải không?

Anh Tiết “Đinh San” ngạc nhiên:

– Sao em biết anh đang nghĩ thế?

– Em nhìn vào mắt anh và em biết điều ấy.

Tũn “trán vồ” nói:

– Anh đừng tin. Nó chuyên môn làm thày bói nói mò ấy mà!

– Không! Em nói thật đấy… – Huyền phản ứng  …”

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?