Một Lần Lầm Lỡ:
Câu chuyện trong Một lần lầm lỡ, mở đầu cũng giống như hai chuyện xưa những kết thúc hoàn toàn trái ngược. Ông Thiệu không chỉ là cha nuôi mà còn là thầy của Lộc, vậy mà Lộc nhẫn tâm phụ bạc công ơn nuôi nấng của ông Thiệu, lừa dối và phản bội Thu Hà, con gái ông Thiệu, người đã yêu Lộc bằng một mối tình ngây thơ trong trắng. Có phải chỉ do tác động của xã hội tư sản chạy theo lợi nhuận, đã dìm bao tình cảm cao đẹp vào trong làn nước giá băng của sự vị kỷ, làm sụp đổ mọi giá trị đạo đức hay không?
Thời xưa cũng có chuyện Lữ Bố giết cha nuôi là Đổng Trác, Bàng Quyên chặt tay bạn là Tôn Tẫn, Nguyễn Trang tố giác thầy là Lý Trần Quán, Ngô Khởi giết vợ để cầu làm tướng, còn những kẻ bạc tình là kiểu Triệu Quân Thụy, Sở Khanh, Don Juan….thì thời nào, nước nào mà chẳng có. Ở đây, tác giả muốn đưa ra một bài học cảnh tỉnh những kẻ nhẹ dạ, lầm lạc trong khi lựa chọn bạn tình như Thu Hà, chưa kịp suy xét cẩn thận đã vội hấp tấp trao thân cho Lộc, để đến nỗi suýt thiệt thòi một đời con gái. So với Thu Hà thì nàng Kiều ngày xưa còn khôn ngoan, chín chắn hơn biết bao nhiêu! Khi thấy Kim Trọng “Sóng tình dường như đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, nàng đã nhắc nhở người yêu:
“Vẻ chi một đoá yêu đào,
Vườn hồng chỉ dám ngăn rào rêu xanh.
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trên bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi.
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiếc trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.
….”
Anh chàng Lộc trong “Một lần lầm lỡ”, đứng núi này trông núi nọ, cuối cùng mất cả chì lẫn chài, trở nên thân tàn ma dại, suýt nữa phải tra tay vào còng. Hành động của Lộc gán Thu Hà cho Quang khi đã thỏa mãn về xác thịt, khiến ta nhớ đến nhận xét thâm thuý của La Rochefoucauld: “Khi chán chê yêu đương, chúng ta rất bằng lòng cho người ta bất trung với ta, để giải thoát ta khỏi sự trung tín”. Chuyện Lộc “kén cá chọn canh” mù quáng chạy theo nhan sắc và tiền bạc, đến nỗi “thả mồi bắt bóng”, càng làm chúng ta nhớ đến lời khuyên chí lý của ông bà “cái nết đánh chết cái đẹp” và “giá thú bất luận tài” miễn “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Nhưng nếu đời xưa có những kẻ bạc bẽo như Sở Khanh, thì đời nay không phải là không có kẻ chân tình như Kim Trọng: nhân vật Quang trong Một lần lẫm lỡ, biết Thu Hà đã thất thân với người khác vẫn độ lượng thương yêu nàng bằng mối tình cao thượng. Đúng như Joubert đã nói: “Trái tim phải đi trước tinh thần và sự quảng đại phải đi trước chân lý”, bởi vì “yêu không phải là tìm tư lợi mà là tìm cái thiện”. Nhưng trước hết Quang yêu Thu Hà vì nhận thấy ở nàng những đức tính cần thiết của người phụ nữ như Nardin đã nhận xét: “Hãy chọn làm bạn trăm năm, người ít ra có những đức tính này: cần kiệm, chân thành, chung thuỷ, lo xa và tế nhị”. Ta thấy ở Thu Hà có đầy đủ những đức tính tốt này nên nàng mới chinh phục được trái tim của Quang. Yêu đương phải là sự hoà hợp giữa hai tâm hồn, phải chăng đó là thông điệp của tác giả Một lần lầm lỡ muốn gửi đến bạn đọc trẻ tuổi hôm nay giúp các bạn khi giải quyết một vấn đề cũ như trái đất nhưng vẫn luôn luôn mới?
Mời bạn đón đọc.
Bà Tùng Long (1915-2006) là nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 với 50 tiểu thuyết đã in. Nay NXB Văn Nghệ và Công ty Văn hóa Hương Trang chọn in lại 4 tác phẩm tiêu biểu của bà: Con đường một chiều, Một lần lầm lỡ, Tỉnh giấc tình si, Chỉ một lần yêu. Bà Tùng Long là người khai sáng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhật báo Saigon mới 1953
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn