Miên Man Tuỳ Bút của tác giả – nhà giáo, nhà văn Lý Lan.
“Cái này không phải tự truyện.
Tôi sẽ gọi nó là tuỳ bút, để cho những câu chuyện và những ý nghĩ nối nhau, không hẳn theo trình tự thời gian, mà theo liên tưởng của cảm xúc và ngẫu nhiên của ngón tay gõ trên bàn tay chữ…
… Ông tôi làm ruộng, sáng tinh mơ dắt trâu đi một giờ đồng hồ mới tới cánh đồng, rồi cả ngày cùng con trâu đi loanh quanh miếng ruộng ngập nước.
bà tôi hái rau trái trong vườn gánh ra chợ bán, thường đi bộ từ lúc trời đầy sao đến khi xế nắng mới về, chân đất nứt nẻ, hai vai chai sần.
Cha tôi cũng đi bộ suốt đời bán hàng rong trên khắp những con đường lớn nhỏ của thành phố này.
…Rồi với đôi chân rã rời, tôi luồn tắt qua những hẻm nhỏ cắt vụn những khu phố nằm giưã hai đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi để về nhà. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ: đất nước này, mà thôi khoanh lại trong “thành phố này”, sẽ tiến vào thiên niên kỷ mới bằng cái gì? Tôi không thích hình ảnh hư ảo “trên lưng rồng” hay mơ hồ như “đôi cánh” gì đó. Trên đôi cánh máy bay Boeing mua chịu ư? Hay trên bốn bánh xe hơi nhập cảng? Hay trên hai bánh xe gắn máy nước ngoài?
Không. Hôm nay đi trên những nẻo đường sôi động cuộc sống náo nhiệt, tôi tin chắc chắn là thành phố này đang tiến tới tương lai trên những đôi chân người.”
(Tháng 3.2007 – Lý Lan)
Nhân vật xoay quanh tác giả, người miên man kể chuyện là những người máu mủ ruột rà, là người thân, là thầy cô, là học trò, là bạn bè, là những người tình cờ gặp nhau hay chỉ nhìn thấy, cảm thấy trên những chuyến ngao du chưa biết mệt mỏi của mình.
Mời bạn đón đọc.
(Thứ Sáu, 15/06/2007)
Miên man về sự lương thiện
Vào đầu sách, Lý Lan viết: “Cái này không phải là tự truyện”, nhưng khi đọc hết 250 trang sách thì thấy “cái này” như là… tự truyện của tác giả – nhà giáo, nhà văn Lý Lan.
Quê nội Lý Lan ở Quảng Tây,Trung Quốc; quê ngoại ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Chị sinh ra tại quê ngoại, lớn lên ở Chợ Lớn, rồi làm cô giáo, viết văn, làm thơ và dịch sách. Chị đã nhận bằng cao học văn chương tại Mỹ (Lý Lan nhận được học bổng Fulbright).
Nhân vật xoay quanh tác giả, người miên man kể chuyện là những người máu mủ ruột rà, là người thân, là thầy cô, là học trò, là bạn bè, là những người tình cờ gặp nhau hay chỉ nhìn thấy, cảm thấy trên những chuyến ngao du chưa biết mệt mỏi của mình.
Mẹ mất sớm, lúc nhỏ Lý Lan sống với ngoại. Ông ngoại suốt ngày cùng con trâu cày xới loanh quanh miếng ruộng ngập nước. Còn bà ngoại thì gánh rau ra chợ bán với đôi bàn chân đất nứt nẻ, hai vai chai sần. Người cha cũng suốt đời đi bộ. Ông là người bán hàng rong, không đọc được chữ Việt ngoại trừ việc nhận mặt chữ tên họ của mình và các con.
Lý Lan không miên man kỷ niệm buồn vui. Chị miên man bởi cảm xúc và ghi lại những điều được lưu giữ trong lòng. Điều trở đi trở lại trong thiên tùy bút của Lý Lan vẫn là việc dạy và học, vẫn là người dạy và người học. Bà ngoại là người thầy đầu tiên với những ứng xử giàu lòng nhân ái từ những việc nho nhỏ; khi thấy cô cháu gái qua cầu rơi mất dép, bà bảo cháu bỏ luôn chiếc còn lại để ai đó lượm được chiếc kia thì thấy luôn chiếc này và được cả đôi để mang. Người cha thì dạy con bằng chính cuộc đời cần lao lương thiện của mình. Đến lớp là hình ảnh cô Minh dạy văn.
Chị viết: “Vì yêu cô mà tôi thích môn học này và vì thích môn học này mà tôi yêu tất cả các giáo sư dạy tôi môn đó trong suốt bảy năm trung học”. Rồi những giờ dạy quên phắt giáo án của thầy D. ở giảng đường đại học. Lý Lan cũng không còn nhớ thầy dạy những gì nhưng điều quan trọng nhất là chị đã học được từ thầy sự sáng tạo đầy hứng thú trong nghề dạy học. Lý Lan viết: “Chất lượng bài học thầy dạy mang tính sinh tử đối với đứa học trò. Và “đứng lớp” đối với thầy cũng là một lao động sinh tử”.
Một đứa học trò ở Cần Giuộc lặng lẽ đạp xe “hộ tống” cô giáo mấy chục cây số trong gió mưa tầm tã, đến khi cô thấy được ánh sáng đèn điện rồi em mới lặng lẽ quay về. Cũng chính với những học trò như thế mà Lý Lan đã quay lại và trụ lại bục giảng suốt ngần ấy năm…
Với Miên man tùy bút, sự lương thiện nơi con người còn được thể hiện bằng thái độ sống, bằng nỗ lực để tự vấn, để có thể lắng nghe được tiếng nói ray rứt của lương tâm.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình
(Ngày 08/04/2008)
T ố Uyên lặng lẽ một mình khóa cửa phòng. Đám bảo vệ quen với việc về trễ của chị cũng phải thốt lên: “Về khuya dữ chị!”. Ông Toàn tài xế mừng rỡ mở cửa xe sau cả buổi đói meo ngồi chờ. Tố Uyên vốn không ưa ông này, chị thù vụ ông bị vợ cắm sừng rồi đổ thừa “Tại chị bắt tui làm việc về trễ quá, con vợ tui nó ngứa ngáy “nhảy dù” với thằng sửa ống nước”. Mấy lần chị tính vận dụng những thủ thuật của một giám đốc nhân sự đuổi phứt ông Toàn nhưng chủ tịch công đoàn là anh ruột ông ta.
– Nè, công ty sắp có tổng giám đốc mới – Tố Uyên hào hứng – Đẹp trai lắm! Tui coi hình rồi. Nghe đâu ly dị vợ.
– Vậy là chị có hy vọng… – tài xế tính xã giao làm vui lòng sếp buột miệng.
– Ý anh là sao?
Tố Uyên điên tiết. Thằng cha vô duyên thấy sợ. Để rồi coi, tổng giám đốc mới mà quyết đoán một chút chị sẽ “dùi” cách đuổi tài xế.
Sếp mới về, không làm thất vọng mấy trăm nhân viên, trước mắt là ngoại hình. Ông người Anh, gốc Ý, vóc người năng chơi thể thao, làn da rám nắng, khuôn mặt nam tính chinh phục người đối diện dễ dàng. Berlotti phong độ tuyệt đỉnh ở tuổi bốn lăm. Tố Uyên biết chỉ cần sếp ra lệnh, chị sẵn sàng đem cả mền chiếu vào công ty làm việc. Kinh nghiệm cho thấy ông tổng nào mới về cũng cần phòng nhân sự hỗ trợ để tống bớt đám tay chân của đời trước, rước người mới vào dễ bề quản lý. Tố Uyên và sếp thường ở lại bàn bạc công việc đến tận mười giờ đêm. Đám bảo vệ giả bộ đi tuần ngang qua phòng tổng giám đốc liếc thấy hai người thân mật cười nói rổn rảng. Ông Berlotti vỗ vai Tố Uyên thùm thụp “Chúa ơi! Chúa ơi!”, chị nàng bưng mặt mắc cỡ kêu lên the thé “Berlotti! Ồ Berlotti! Không!”. Bà con đồn ùm lên hai người “chịu đèn” nhau rồi. Dạo này giám đốc nhân sự không mặc những bộ váy công sở nghiêm nghị nữa. Chị đổi style diện toàn bằng chất liệu mềm mại, kiểu dáng nhẹ nhàng, đơn giản mà trẻ trung. Ai cũng công nhận cái tính từ “ngon cơm” đám tài xế dành cho chị là chính xác. Tố Uyên cao một mét sáu lăm, lưng thẳng, eo thon, bụng nhỏ. Chị không có nhan sắc mỹ miều nhưng mặt mũi ưa nhìn, biết trang điểm tinh tế, và nếu đừng làm ra vẻ ta đây mà chịu cười tủm tỉm, chị quả là mỹ nhân U40. Mỗi lần nhân viên công ty thấy Tố Uyên cùng ông tổng sánh đôi lên xe đi ra ngoài công tác hoặc cùng đàm đạo thân mật trong sân, người ta thật lòng mong chị có bồ phứt cho rồi. Chức cao, tài năng, xinh đẹp mà làm gái già thật tâm sinh lý phức tạp không tài nào đoán nổi. Dĩ nhiên người trong cuộc biết công ty bàn tán gì. Mặc, anh đã ly dị, ả chưa có chồng. Hồi sau sẽ rõ.
Hồi một trôi qua, hồi hai rồi hồi ba cũng kết thúc. Sau một năm từ ngày ông Berlotti về nhận nhiệm vụ tổng giám đốc, mọi người ai cũng công nhận tài lãnh đạo của ông. Cái tính quyết đoán, dám ra lệnh dám nhận trách nhiệm làm nhiều người nể phục. Berlotti khéo ăn khéo nói, khéo cả cách cư xử vừa cương vừa nhu, đấm người ta một cái thì tức thời phải xoa ngay một cái. Bước chân vào công ty ông tổng bắt tay từng bảo vệ, vỗ vai từng lao công, đi chào từng nhân viên các phòng ban mỗi sáng. Ông nhớ tên hết mọi người và thích hỏi những câu liên quan đến đời tư: “Con anh hết bệnh chưa?”, “Chừng nào em cô thi đại học?”, “Vợ cậu đi công tác thế nào?”. Mọi người lao vào làm việc như điên không thèm vòi tiền “overtime” dù ai cũng ra khỏi công ty lúc tám giờ tối. Doanh thu tăng đột biến, thành công ngoài dự kiến, tập đoàn từ Anh gởi bằng khen về tới tấp. Nhưng cuối năm lương thưởng chỉ dành cho những giám đốc trụ cột của công ty, số nhân viên còn lại không được bao nhiêu. Tiền trượt giá vì lạm phát cũng không được tính. Dĩ nhiên sếp tổng lập công lớn với tập đoàn vì tối đa hóa doanh thu và tối thiểu hóa chi phí. Lãi ròng chuyển về tập đoàn tăng đáng kể.
Phòng nhân sự bị bêu riếu, bà con hài tên Tố Uyên ra: “Việt gian”, “me Tây”, “tay sai bọn đế quốc”. Nhiều trưởng phòng ban khi vào phòng nhân sự kiện cáo đòi tăng lương cho nhân viên chứng kiến cảnh chị bưng mặt khóc thê thảm: “Trăm dâu đổ đầu tằm! Có ai chịu hiểu cho tui không? Chính mấy người mới bị cai trị một cách dịu êm! Trời ơi, ngu ơi là ngu!”. Mọi người bấm tay nhau lui ra “Câu cuối là bả nói chính bả. Một năm nay bả cũng đâu được xơ múi gì. Uổng công trang điểm má hồng bấy lâu”. Thế rồi dần dần người ta vỡ lẽ, ông Berlotti là một con cáo già chỉ còn chờ ngày để thành tinh. Ông có tài biết kết hợp những ngôi sao trong một bầu trời lại với nhau, biết khiển người ta tự nguyện cống hiến hết mình, biết dùng những đầu tàu như Tố Uyên o ép số nhân viên dưới quyền còn lại, biết cả thuật “nam nhân kế” tán tỉnh phụ nữ từ người trong công ty đến khách hàng và đối tác bên ngoài. Nhưng ông tỉnh táo, dính vào “gái già” trong công ty là hết đường gỡ, nên Tố Uyên dù có “ngon cơm” cỡ nào cũng không bao giờ Berlotti thèm ăn thử một miếng. Tố Uyên đau khổ nhìn Berlotti cuối tuần vào hộp đêm chơi bời. Trong cộng đồng dân nước ngoài làm việc tại Sài Gòn, chị quen biết khá nhiều. Tin tức gì của sếp chị cũng gióng tai lên. Càng biết thì càng đau. Sếp không quan tâm đối tượng trí thức, nghe nói vợ cũ của ông là tiến sĩ. Ông chỉ thích hẹn hò với đám gái hạ đẳng, với bọn chân dài – đầu bé – vú to. Chơi qua đường cũng có mà coi bộ “true love” cũng có.
Từ ngày nhận đơn thôi việc của giám đốc nhân sự vì lý do sức khỏe, sếp Berlotti giật mình quay lại o bế một “khai quốc công thần” của mình. Lần này ông không để đương sự và người ngoài hiểu lầm nữa. Ông chủ động để mọi người biết giữa Tố Uyên và mình là một tình đồng nghiệp sâu sắc, một tình bạn hiếm hoi, một tình cảm trong sáng nhưng sâu nặng hơn cả nghĩa vợ chồng. Phần chưa tìm ra công ty mới vừa ý, phần cũng chỉ muốn “làm mình làm mẩy”, Tố Uyên mở lòng ra đón nhận những cử chỉ chăm sóc của sếp. Thật sự Berlotti không phải người xấu, ông cũng chẳng lợi dụng ai nếu người đó không tự nguyện. Muốn thành đạt trên thương trường bắt buộc ông phải “cáo”, muốn quản lý giỏi đành lòng ông phải dùng thủ thuật, muốn tối đa hóa thành công ông còn cách nào khác hơn là chấp nhận trả giá.
– Sự nghiệp không song hành cùng hạnh phúc gia đình – Berlotti ngồi trên bàn Tố Uyên lúc cả công ty đã ra về mà tâm sự – Vợ tôi chịu không nổi cảnh tôi đi công tác biền biệt, con tôi không tha thứ việc tôi vắng mặt cả ngày trời. Làm một người đàn ông ly dị thê thảm lắm!
– Thật sao? – Tố Uyên cảnh giác với những lời than thân trách phận rất cổ điển của bọn đàn ông.
– Tôi không có một mái ấm gia đình – Làm ngơ trước giọng điệu châm chọc, Berlotti tha thiết – Không tin cô hỏi thằng Tâm tài xế tôi đi, có những tối sau một ngày làm việc mửa mật, nó phải chở tôi về nhà cùng dùng cơm với vợ chồng con cái của nó. Hưởng chút không khí gia đình hạnh phúc của người ta rồi về lại căn biệt thự rộng tênh lạnh lẽo công ty thuê cho.
– Tôi đồng ý với ông, sự nghiệp không song hành cùng hạnh phúc cá nhân – Tố Uyên lại châm chọc – Như tôi đây, chồng nào chịu lấy! Có lần một nhân viên nữ xin nghỉ vì con ốm mà tôi không cho, nó dám thét vào mặt tôi “Chị không làm mẹ nên không hiểu con cái là tất cả. Chị làm việc trung thành và cống hiến tận lực cho công ty rồi cũng chết già trong cô đơn mà thôi!”
– Nè, cho phép tôi hỏi – Berlotti kê sát vào tai Tố Uyên thì thầm – Cô còn trinh đó chứ?
Đã quá quen với cách nói năng “du côn” kiểu Ý và hiểu con người Berlotti thích sự thẳng thắn, Tố Uyên ưỡn ngực tự hào “Nguyên xi!”. Berlotti vỗ đùi rõ kêu “Phí quá! Tôi biết đàn ông Việt Nam gia trưởng và ích kỷ, lấy vợ tài năng như cô họ e ngại, nhưng việc gì phải ép xác như vậy. Hãy trải nghiệm đi! Đọc ba cuốn sách loại này còn ức chế thêm!”. Berlotti với tay trên kệ của Tố Uyên lấy mấy tiểu thuyết diễm tình của Danielle Steel và Quỳnh Dao. Hình bìa toàn cảnh hai người ôm nhau âu yếm trong khung cảnh hữu tình. Cáo già Berlotti lắc đầu trề môi. Chị phì cười “Tôi cũng biết là phí, nhưng tìm người xứng đáng để “cho” không gặp”. Berlotti ôm lấy vai chị chân thành “Đừng nghĩ là “cho”, sex là từ hai phía. Tôi chưa bao giờ trả tiền cho bất kỳ ai tôi có quan hệ. Điều đó thật bất công và giết chết cảm xúc”. Tố Uyên bĩu môi “Thế còn những lần ông chơi bời với gái vũ trường? Ông không trả một xu nhỏ à?”. Berlotti cười ngất “Cô biết tính mạnh mẽ nhưng dịu dàng của tôi trong công việc, trên giường tôi còn “nghệ thuật” hơn. Lẽ ra bọn họ phải trả tiền cho tôi. Nhưng thôi, như tôi đã nói, điều đó giết chết cảm xúc”.
Sau lần tâm sự quá sức thân mật đó, hai người tiếp tục kiểu trò chuyện “huỵch toẹt”, thẳng thắn và có phần dung tục sau một ngày làm việc căng thẳng. Tố Uyên thấy chị “bà tám” với sếp như hai con mẹ hàng tôm nhiều chuyện. Berlotti tỉnh bơ thú nhận đôi khi quên rằng Tố Uyên là một phụ nữ, lại là một phụ nữ Việt Nam còn “nguyên xi”. Hai người xả stress bằng đủ thứ chuyện bậy bạ mà chân thành. Tình cảm của họ thật khó tả, cả hai như đã hiểu nhau thật nhiều nhưng cũng giữ kẽ ở chừng mực nào đó giữa sếp và cấp dưới. Berlotti mỗi khi đi công tác châu Âu hay tìm mua tặng cô giám đốc nhân sự của mình những cuốn sách triết về tình dục học. “Sao, người đẹp? Mấy cuốn sách này đả thông tư tưởng cô chưa?”. Và cuối năm đó, khi Tố Uyên đang bù đầu làm kế hoạch lương thưởng cho kịp trước Tết, Berlotti đi Anh nghỉ Giáng sinh về tặng cô một hộp giấy rồi nháy mắt gian ơi là gian. Ông đóng cửa phòng lại vẻ bí mật dù xung quanh chẳng còn ma nào làm việc đến giờ này. Tố Uyên hồi hộp mở quà ra. Những dụng cụ bằng cao su mềm, hình dáng đủ loại từ có gai, có mùi hương, đến rung mạnh và nhiệt độ ấm nóng như thật. Tố Uyên cầm những bộ phận sinh dục phái nam lên, ngước nhìn vẻ thất vọng của Berlotti vì sự thờ ơ của mình, chị đều giọng “Tưởng gì ghê gớm! Ba cái đồ này tôi đã… tự trang bị trong lần đi công tác Hà Lan cách đây vài năm!”. Berlotti há hốc miệng. Lần đầu tiên chị thấy một người luôn làm chủ tình thế như sếp biết kinh ngạc.
Đột ngột, ông Berlotti được thăng chức sang Hồng Kông làm giám đốc vùng châu Á. Ông ra đi trước nhiệm kỳ gần một năm. Trước khi đi ông kịp tăng lương và tăng chức cho một loạt người, ký quyết định cho những nhân viên triển vọng theo học MBI tại Anh và đưa vào quy định hằng năm cho mọi người mười bốn tháng lương. Cáo già nháy mắt “Cho tổng giám đốc đời sau hứng hết mọi phí tổn”.
Sếp mới về, công ty lại lao vào một guồng quay mới. Thảng hoặc tìm tài liệu trong đáy tủ Tố Uyên thấy thùng giấy đựng mớ dụng cụ bằng cao su mềm có gai. “Phải thủ tiêu thôi, rủi có nhân viên nào phát hiện thì chết toi – chị lầm bầm đỏ mặt – Cũng chẳng thể đem về nhà, phụ huynh hơn tám mươi của mình phát giác chắc đứt gân máu”. Chị muốn viết e-mail cho sếp cũ, phân bua mình khao khát tình cảm, còn ba cái vụ sex mà phải “tự xử” bằng mớ dụng cụ vô hồn này thật không ham. Nhưng thôi, người như ông Berlotti không bao giờ tin vào tiểu thuyết diễm tình.
Ba năm sau, khi đã xấp xỉ tuổi bốn mươi lăm, Tố Uyên lập gia đình. Chồng chị là một kỹ sư người Đức, trông có vẻ khô khan nhưng đôi mắt thấu hiểu. Chị lên chức tổng giám đốc, thế cho người sếp nước ngoài hết nhiệm kỳ. Đám bảo vệ thì thầm với tài xế “Chức cao hơn nhưng không về trễ nữa, người vợ phải nấu cho chồng một bữa ngon!”. Ông Toàn gật gù: “Các sách diễm tình đều nói vậy…”
Sau 7 tập truyện ngắn viết về người trẻ, lần này Dương Thụy viết về người già. Chị thay đổi đề tài nhưng vẫn giữ được “duyên” văn. Đoàn Thạch Biền |
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn