Miền Lưu Dấu Văn Nhăn
Miền Lưu Dấu Văn Nhân – Ba mươi nhân vật, ba mươi số phận công dân với cá tính trội. Người tóc bạc lẫy lừng, kẻ tuổi xanh chập chững. Người sách, tranh, tiền bạc ngang đầu, kẻ khó rớt. Người ngựa xe đón đưa mỗi bước, kẻ hoang khuất miền quê. Tất cả bình đẳng ngồi chung chiếu thời cuộc vì cùng mang thiên chức sáng tạo nghệ thuật trong mình.
Ai đã thưởng thức tập sách da diết “Dặm ngàn hương cốm Mẹ”, lấp lánh tài hoa tùy bút của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, từng ngỡ ngàng với khả năng phù phép chữ và hình ảnh cùng những liên tưởng không giới hạn, thì trong Miền Lưu Dấu Văn Nhân sẽ lại có dịp được chiêm ngưỡng nhà ảo thuật chơi cùng bàn phím, biến ảo nhuần nhuyễn giữa truyện ký và tùy bút. Huy động những kỷ niệm tình cờ, các tiệc rượu hay những cuộc tiếp xúc với các văn nhân -những người vừa là bạn chơi, vừa là đồng nghiệp, sắp đặt dữ liệu kiểu ngẫu hứng, chọn lựa chi tiết ngoại hình, qua kỹ năng ví von và ẩn dụ, tác giả thắp sáng cơ chế suy nghĩ và mô hình thế giới nội tâm của nhân vật. Chân dung dần lung linh thứ ánh sáng riêng. Mỗi chân dung biệt lập một hiện thực sống giữa đời thường và tác phẩm. Mỗi số phận nhân vật phản ánh lịch sử đời sống tinh thần giàu có và phong phú theo cách riêng phổ vào dàn hợp xướng đương đại của văn chương Việt.
(Nico – Paris 2013)
Trích đoạn
“Văn chương, cơn cớ muôn thuở để người đến với người, người nhớ người và người xa người. Nó không là đích, cũng chẳng phải phương tiện mà là ánh xạ lòng trắc ẩn buồn vui mỗi thân phận…”
(Đỗ Ngọc Thống và những đồng cảm)
“Cành hoa đào núi rực lên vẻ riêng khác thường không thể lẫn với bao nhiêu sắc đào trên đường Hà Nội. Phong trần trong lịch lãm. Trên vai bạn tôi đã có dăm cánh đào vừa rụng…”
(Hồ Anh Thái – Người đứng sau cánh gà mang hoa đào trên phố)
“Rượu lâu năm và bạn cũ – gia sản tinh thần mà bất cứ người đàn ông nào cũng lúng túng và bối rối không biết hành xử sao cho xứng đáng. Tôi đã chờ hơn mười năm một chiếc bình đựng rượu từ bạn mà không thấy lâu. Còn bạn cũ để tặng tôi cả chiếc bình lẫn rượu lâu năm suốt cả mười năm cũng không thấy muộn. Ánh nhìn thi sĩ loang sắc trăng rừng có hợp lưu sóng nước sông Lô sông Đáy và cả ngọn lửa mất ngủ từ ngôi nhà tuổi mười bảy cháy rực”
(Chiếc bình rượu của Nguyễn Quang Thiều)
Mời bạn đón đọc.