Xem sách hay

Miền Cỏ Thơm – Bút Ký

Mua ở đâu?
Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Miền Cỏ Thơm – Bút Ký:
“Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi lại phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế.

Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi, nhưng ở đây hình tượng hoa mimosa và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại. Có lần vào cuối đông, tôi ngồi trong trại viết của Hội Nhà Văn ở Quảng á và nhìn ra con đê sông Hồng xanh ngun ngút những cỏ kéo dài suốt những cánh đồng vùng Yên Phụ mịt mùng trong mùa mưa bụi xàm, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Trãi nói về nỗi tâm đắc với cỏ ở Hà Nội: Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi. Tôi nghiệm ra rằng cái thế đắc địa nhất của cỏ chính là những triền đê; ở đó cỏ nghiễm nhiên giữ vai trò của mọi loại hoa trên mặt đất. Có lẽ ngày xưa trong một chức quan rỗi việc. Nguyễn Trãi đã có nhiều lần buông lỏng cương ngựa đi dọc triền đê này để ngắm vẻ đẹp của cỏ. Những đã có mấy ai được ngắm thoả thích màu tươi xanh của cỏ dọc thân đê giống như tôi trong buổi sáng mùa xuân năm ấy. Hà Nội vẫn là những mái phố dài trải ra dưới những cây cỏ với những khách bộ hành đi trên vỉa hè. Nghĩa là còn lại Huế là một cố đô mang linh hồn của cỏ.

Mùa xuân có thể định nghĩa là mùa toàn bộ cây nở thành hoa. Những ngọn đồi phía tây nam huế bừng lên trong hương cỏ, khiến người ta không thể ngồi yên cúi mặt lên trang sách. Hương cỏ tràn vào thành phố, như gần như xa khiến tôi nghĩa rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn địa đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới những gốc đào nở hoa, rồi mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại như cây ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên bay lượn thảnh thơi trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia trong một thành phố lúc nào cũng cổ xưa, văng vẳng điệu nhã nhạc cung đình đã hoang phế. Đã nhiều năm tôi chợt nhận ra lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm, chắc là chúng đã tìm ra một không gian khác yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn.

Một hôm nhân có việc đi ra ngoài ô vào ban đêm, tôi gặp những đàn đom đóm mịt mù như đám bụi sao bay trôi qua những khu vườn tôi nằm. Tôi lại nhớ ra rằng đã từ lâu ở Huế người ta không còn thấy bóng con đom đóm; không còn thấy bóng những bầy trẻ con chạy đuổi theo vầng bụi lửa đom đóm để bắt lấy hạt ngọc nhà trời. Và chính những cánh bướm, cánh chuồn chuồn thân mến của tôi đã rời bỏ những bụi cây hoang dại mà đi về khu vườn địa đàng của chúng, trên những đồi cỏ kia, để lại tôi đứng một mình làm một thằng bé lang thang cơ nhỡ như thế này. Ôi! Tôi muốn làm Liệt Tử cưỡi gió mà đi khắp nơi trên thành phố kinh xưa của tôi, thành phố nằm phơi mình giữa non xanh nước biếc, toả rộng linh hồn vô ưu thênh thênh trong hương cỏ…”.

Mục Lục:
Thay lời giới thiệu
Miền cỏ thơm
Thời ấu thơ xanh biếc
Đêm “hoà hợp dân tộc”
Mái nhà dưới bóng cây xanh
Huế, trong mắt Tường Đờ Cát
Những nguồn suối xa xôi
Bàn tay vàng của người phụ nữ Huế
Con chó trung nghĩa
Ca dao và mẹ
NSND Đặng Nhật Minh – Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh
Hồng Lĩnh
Khói và mây
Rừng tuổi đại
Lễ hội áo dài
Văn phòng tứ bảo của tôi
“khốn nhi tri”
Đá vàng
Sắc mai
Quê nhà
Vài nét đặc trưng về kiến trúc Nguyễn
Con gái
Canh gà Thọ Xương
Hoa bên trời
Bước tới đèo Ngang
Đốt lò hương, giở phím đông ngày xưa
Đèo Hải Vân
Một thời làm báo
Chuyện vua Minh Mạng
Bông hoa ngũ sắc
Chào mô phái hoa anh đào
Du lịch tâm linh cùng Văn Cầm Hải
Thế giới tìm thấy trong tập thơ “huyền thoại Cửa Tùng” của Ngô Minh
Sư phụ
Mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi
Chuyện kể tiếp về Trường
Những thiên thể chiếu sáng trong tôi.

Mời bạn đón đọc.


Miền Cỏ Thơm – Bút Ký
Ngày 27/08/2007
Đọc bút ký “Miền cỏ thơm” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
TNO) Trong những ngày mưa tháng tám, bất chợt những cơn mưa vụt đổ làm xáo trộn đời sống mọi người, ai nấy tất tả ngược xuôi để tránh mưa. Những lúc ấy, ngồi bên khung cửa nhìn những hạt mưa rã rời, bên ly trà nóng ngun ngút khói, lang bạt cùng câu chữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để phiêu du đến những miền đất nào đó của xa xôi, của hiện tại thì thật là một niềm khoái cảm thâm trầm.

Như nhà văn Ma Văn Khánh từng nói: “Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng chiều sâu văn hóa, bằng những cảm hứng nhân văn… Anh là một nhà văn đặc sắc, nếu không nói là vào bậc nhất nước

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Miền Cỏ Thơm – Bút Ký

Ngày 31/08/2007
Miền mộng
TT – “Ông hoàng ký”- với thể loại bút ký có thể gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường bằng một cái tên như vậy.

Quả thật, nếu chỉ tính riêng thiên bút ký Ngọn núi ảo ảnh thì đã thấy sự vạm vỡ của tư duy và chiều sâu khúc xạ của tâm cảm, mà khó có một cây bút nào vượt qua. Nhưng so sánh là công việc của riêng chúng ta – những bạn đọc. Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường, viết là động thái không nhằm vượt lên, bỏ qua ai cả, mà chỉ để rong ruổi thỏa chí trong miền mộng của chính mình.

Một miền cỏ thơm không phải ở nơi xa xôi kỳ vĩ nào cả mà ngay dưới chân ông, ở Huế. Đã xê dịch nhiều, chứng nghiệm đầy ắp, để khi trở về nơi mình sống Hoàng Phủ Ngọc Tường chợt nhận ra rằng: “Huế là một thành phố được dành cho cỏ”. Ở nơi nào mà chẳng có cỏ, nhưng có lẽ Huế là nơi duy nhất “hương cỏ tràn vào thành phố” theo phát hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và: “Không nghi ngờ gì nữa, chính nơi đây mà người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên những khu vườn xanh biếc” (Miền cỏ thơm).

Quả thật hiếm có một nghệ sĩ nào tôn vinh cỏ như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng đấy không phải là lối nói ngoa dụ, mà trải qua bao suy tư liên tưởng cùng sự giao cảm thiết thân giữa người nghệ sĩ và thiên nhiên Huế. Miền cỏ thơm đó đã dụ dẫn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi qua những miền mộng khác của tâm hồn. Nếu như trước đây Hoàng Phủ Ngọc Tường thường để ngòi bút của mình tung tẩy trên những con đường thiên lý Bắc – Nam thì sau này, khi tạm vượt qua cơn bạo bệnh, ông thường rong ruổi trong chính tâm hồn mình.

Trong bút ký Những thiên thể chiếu sáng trong tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đã chạm được vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người qua những hồi ức tuổi thơ. Nhà văn viết: “Hóa ra huyền thoại không chỉ là những gì ta đã tiếp nhận từ hồi thơ bé, nó cứ tồn tại mãi trong nhận thức của ta, giống như ngọc xá lợi của đức Phật; cả đến khi ta đã khôn lớn, và cứ bền bỉ như thế, giúp ta giải mã những bí ẩn cuộc đời bằng ánh sáng riêng của nó”…

Đời sống, rồi cũng chỉ là “hoa bên trời” theo như cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng những đóa hoa mộng trong tâm tưởng thì còn mãi. Còn nhớ hoài hoa phù dung, hoa ngũ sắc, hoa cỏ lau, hoa rì rì, hoa địa lan và cả hoa rừng vô danh nữa… Hoài cảm loài hoa còn có nghĩa là chạm vào miền sơ khai, thuần khiết của cõi lòng.

Đọc những bài ký mới nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta còn thấy được những “bước về từ ngày xưa” như ý mà ông bày tỏ trong bút ký Mái nhà dưới bóng cây xanh. Cũng là Huế đấy thôi, nhưng qua dằng dặc thời gian chợt như hé ra một bóng dáng, lộ ra một ngọn gió, khẽ khàng tiếng bước chân…đi về từ miền mộng. Là những bước chân trở về lặng lẽ, nhưng cũng có thể là để sửa soạn những cuộc đi tiếp tục, như lời của Lão Tử: “Thiên lý chi hành thủy túc vu hạ” (Cuộc đi ngàn dặm bắt đầu ở dưới chân).

Gọi là rong ruổi trong miền mộng, nhưng bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyệt đối không xa rời yếu tố “người thật việc thật” cũng như vốn liếng văn hóa, cái nhìn riêng biệt… Đó là đặc tính làm nên sức hấp dẫn của bút ký.

Và, khi khép lại tập sách này, chúng ta thấy một “ông Hoàng” đang ngồi ngước mắt dưới bầu trời sao đêm, chiếc cúc áo trên cùng mở ra, không phải để đón gió mà để chào một ngôi sao băng như chào và nguyện cầu cho một người tử tế vừa tạm chia tay chúng ta trong cuộc đời này (!).

TRẦN NHÃ THỤY

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?