Để có ngày hòa bình, thống nhất, gần 2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng, người thân khóc người thân …Trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh, không có chuyên đề nào thể hiện sự mất mát này nhưng nước mắt lặng lẽ của những Hòn vọng phu là món nợ trĩu nặng của thế hệ hôm nay và mai sau. Bước sang thế kỷ 21, chỉ một thập kỷ nữa thôi, chân dung những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong hai cuộc trường chinh giữ nước đã trở thành truyện cổ tích và huyền thoại.
Năm tháng sẽ qua đi, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng rồi cũng sẽ ra đi cùng với thế kỷ 21. Với chúng tôi, vẻ đẹp, nỗi đau của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn mới mẻ dù gần một thế kỷ chiến tranh trên đất nước này đã thuộc về quá khứ. Dù muộn màng, công việc tìm lại chân dung những bà mẹ vẫn được những người con âm thầm tiếp tục thực hiện. Năm 2002, bằng tất cả sự nổ lực, Trầm Hương – một nhà văn nữ đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – đã cho ra đời ấn phẩm Mẹ. Với trái tim thôi thúc được đồng cảm, chia sẻ, công trình Mẹ được chị viết lên từ rung cảm trước những số phận đặc biệt của những bà mẹ trên mọi nẻo đường đất nước, từ địa đầu tổ quốc đến Mũi Cà Mau mà chị đã gặp trong những chuyến đi có dự định hoặc tình cờ. Đó là những bà mẹ có con hy sinh mà không dám khóc; những bà mẹ có con sinh Bắc tử Nam, sinh Nam tử Bắc; có những bà mẹ dù không được phong tặng một danh hiệu cao quý nào nhưng sự hy sinh, chịu đựng vô cùng lớn lao …
Sách do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân hợp tác xuất bản.