Trong vòng xoáy ấy, cuốn theo cùng những cặn bã, rác rưởi của xã hội là những tâm hồn đẹp, những người tốt và cả những tâm hồn yếu đuối mong manh… Đó là một Thái Vinh đáng thương hơn đáng giận, cô gái con nhà giàu, đã chọn cho mình cách sống buông thả. Sinh trưởng trong một gia đình mà món tiền 100 triệu đồng chi ra nhẹ bỗng như không, vì cũng chỉ bằng tiền thay vài cái kính chiếu hậu xe hơi, cô gái non nớt này sớm sành sỏi hàng hiệu, chốn ăn chơi nhưng lại mang tâm hồn lạnh vì thiếu tình thương, thiếu hơi ấm của gia đình.
Đó là một chàng Vĩnh, bề ngoài có vẻ đĩnh đạc, hạnh phúc nhưng bên trong là sự ruỗng mục và hoang hoải dần của tuổi trẻ mất phương hướng trong đời. Đó cũng có thể là Hữu, xuất thân nghèo khó và đi lên bằng cách đạp đổ đối thủ bằng mọi thủ đoạn, miễn sao thu phần lợi về mình.
Cuốn sách dồn nén rất nhiều vấn đề xã hội, về những góc khuất, mặt trái của cuộc sống sôi động ở thành phố lớn: Từ chuyện chụp ảnh nude, đến quan hệ đồng tính, rồi những đấu đá tranh chấp, giành giật chỗ đứng, vị trí trong xã hội. Sách cũng đề cập đến giá trị của chữ hạnh phúc và ý nghĩa của tuổi trẻ, hai thứ mà dù tiền có nhiều đến đâu cũng khó có thể đạt được.
Cảnh mở đầu và kết thúc truyện Mắt bão đều là ở phi trường, nơi đón nhận những cuộc trở về và chuyến ra đi, nơi những chiếc máy bay cất cánh đến mọi miền đất trên thế giới, nơi những người trẻ Việt Nam đầy hoài bão luôn mang khát vọng được vươn ra, bay xa, chiếm lĩnh tri thức và cuộc sống theo cách của họ. Dù toàn truyện Mắt bão nhuốm màu xám và nặng nề tựa như "cơn bão" cuộc đời đang dồn tụ trên đầu những người trẻ, vẫn còn le lói một đốm sáng là nhân vật Hải, chàng sinh viên tự tin, kiên định, luôn đi lên bằng chính năng lực và trái tim của mình.
"Gần hai năm trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ lạ lùng. Thời gian tựa cơn lốc xoáy, cuốn theo bao người vào tâm những trận bão khắc nghiệt. Để khi sống sót, nhoài lên từ những đợt sóng lớn, tất cả đều phải thay đổi…", dòng suy nghĩ của Hải ở cuối truyện cũng chính là nỗi day dứt mà bất cứ người trẻ nào khi muốn trụ vững giữa cuộc sống sôi động, đều từng một lần trăn trở.
Phan Hồn Nhiên chưa gọi cuốn sách của mình là "tiểu thuyết" mà chỉ dừng ở mức "truyện dài". Chút e dè này vô tình khiến chị chưa đưa ra được những hướng giải quyết hợp lý cho quá nhiều nút thắt mà chị đã tung ra trên trang viết. Vì thế, còn đôi chỗ trong sách có thể làm độc giả không thỏa mãn. Nhưng dù sao, đây là một trong số ít tác phẩm đã mang đến cho văn học trong nước cái nhìn gần gũi về một lớp người trẻ của xã hội Việt Nam đương đại.
Anh Vân (Evăn)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn