“… Theo tục lệ người thiểu số, gia đình nhà vợ “cưới rể” và “bắt rể”. Người đàn bà làm chủ trong gia đình. Đàn ông đóng vai phụ thuộc. Tàn tích của thời đại bộ lạc còn sót lại, mãi tới ngày nay trong thị tộc các giống dân sơn cước.
Ông Cả ngỏ ý muốn tôi về ở nhà ổng. Phong cũng đồng ý như vậy. Chúng tôi bàn bạc với nhau và xét thấy ý kiến ấy hợp lý. Ông Cả già yếu. Phải có người đàn ông mạnh khoẻ phụ sức với Tchô Phay trông nom mùa màng.
Tuy tôi là con rể trong nhà, ông Cả vẫn quen miệng kêu tôi “thầy Hai”. Lúc nào tôi có việc phải về trễ thì ông hỏi con gái:
– Thằng “thầy Hai” sao chưa về?
Khi tôi về tới, ông hối con gái:
– Dọn cơm “thầy Hai” ăn, con!
Có mặt tôi, ông nể; ông bỏ tiếng “thằng” đứng trước tiếng “thầy Hai”.
Nếu có người hỏi tôi: “Trên đời này ai thương tôi hơn hết”, tôi sẽ không ngần ngại gì mà nói mau rằng “Tchô Phay”.
Tchô Phay chiều tôi rất mực. Tôi chưa gặp người con gái nào ngoan và hiền như vậy. Có lẽ nàng thương tôi hơn cả cha và em
Vắng tôi một giờ, nàng đã buồn. Nàng ngồi bí xị một chỗ, trông ngóng. Nàng ngưng hết mọi công việc nhà để đợi tôi. Về sau nầy tôi mới biết nàng ghen. Nàng ghen vì quá thương tôi và sợ mất tôi.
Được vợ thương là điều sung sướng, nhưng lắm khi cũng thấy bực. Tchô Phay coi tôi là của riêng của nàng. Nàng giữ riết lấy như một em bé không rời con búp bê.
Ban đầu Tchô Phay còn để tôi đi dây, đi đó một mình. Sau nàng thay đổi chiến lược. Hễ tôi xách áo đi là nàng theo liền như bóng với hình. “Chàng đâu, thiếp đó” mà!
Mỗi lần tôi xuống Túc Trưng thăm Phong, đều có mặt Tchô Phay. Phong biết tật Tchô Phay nên hỏi ghẹo:
– Kòm pom dor? (Đi đâu?)
Tchô Phay mắc cỡ cúi đầu, không trả lời. Phong không tha:
– Sao cứ bỏ bê việc nhà theo chồng hoài vậy? Lỡ ảnh “chết” chị có theo luôn, Không?…”.
Mục lục:
Lý Văn Sâm – một chỗ đứng riêng trên văn đàn
Vợ tôi, người dân tộc thiểu số
Một chuyện oan cừu
Nước lên.
Mời bạn đón đọc.