Và bất ngờ, sau 16 năm, tác giả Lối đi ngay dưới chân mình – Nguyễn Lê My Hoàn trở lại… trên kệ sách.
Lần trở lại này, Nguyễn Lê My Hoàn đứng tên dịch giả của một tác phẩm văn học Anh – cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc và là một "thành quả" mà My Hoàn cho rằng "hoàn thành sớm hơn dự định một điều trong "101 điều My Hoàn muốn làm nhất trong đời". Dịp này, truyện dài Lối đi ngay dưới chân mình cũng vừa được tái bản. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với chị.
* Chị muốn chia sẻ điều gì nhất với độc giả Việt Nam qua bản dịch Trước lúc ngủ say (Before I go to sleep)?
– Điều cứ ám ảnh tôi mãi khi dịch xong Before I go to sleep đó là: cuộc đời – hay quá khứ – của mỗi người được xây lên từ những lớp ký ức mỏng manh về những khoảnh khắc đầy ý nghĩa từ những ngày đã trôi qua. Trí nhớ gợi nhắc về cuộc đời trong quá khứ qua những câu chuyện, cảnh sắc, mùi hương… Khi mất đi trí nhớ, khi tất cả những chi tiết, khoảnh khắc quá khứ – vốn là những thứ định hình nên cuộc đời của bạn – biến mất, bạn chẳng còn biết được mình là ai nữa, thì liệu cuộc đời của bạn có còn ý nghĩa nữa không?
* Điều ám ảnh đó là lý do chị chọn dịch tiểu thuyết đầu tay của S. J. Watson thay vì tác phẩm nào khác?
– Thật ra tôi không chủ động chọn dịch Before I go to sleep đâu, nhưng vốn là người tôn trọng những "biến cố ngẫu nhiên" xảy đến trong đời, tôi đã cho mình cơ hội để trở thành dịch giả, với dịch phẩm đầu tay là tiểu thuyết đầu tay của một tác giả đầy bản lĩnh. Lúc đó, khoảng cuối năm 2010, phòng khai thác đề tài của Nhà xuất bản Trẻ nhờ tôi đọc thẩm định bản tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này. Tôi đọc và viết thẩm định xong thì cũng quên đi, mấy tháng sau – khi việc giao dịch tác quyền đã xong nhưng việc tìm người dịch lại không thuận lợi – phòng khai thác đề tài lại xoay sang thuyết phục tôi nhận dịch. Tính tôi kỳ lắm. Nếu bạn dám tin thì tôi sợ gì mà không dám thử (cười)! Và thế là tôi bắt tay vào dịch…
* Và chị hồi hộp lắm không khi bản dịch đã ra mắt, nhất là khi gần đây dư luận vẫn đang xôn xao về những thảm họa dịch thuật hay lỗi dịch thuật?
– Ở vị trí người dịch, tôi coi mình chỉ là người kể lại câu chuyện của tác giả trong một ngôn ngữ khác, nên hình như áp lực không nhiều. Với bản tính hơi ngược ngạo của mình, tôi thường chỉ nhận làm những gì khiến mình hạnh phúc. Được dịch một tác phẩm thú vị và hấp dẫn như Before I go to sleep với tôi là một hạnh phúc, cảm xúc đó đủ lớn để tôi không còn thấy hồi hộp gì nữa. Là người dịch, tôi tìm cho mình vị trí thích hợp nhất để đồng cảm được nhiều nhất với câu chuyện mà tác giả muốn kể, rồi bắt đầu làm việc hết mình, vậy thôi.
* 16 năm trước, nhà văn Nguyễn Khải đã nhìn thấy ở Lối đi ngay dưới chân mình "một tuổi trẻ tự tin và không thèm mặc cảm". Và đúng là tác giả của Lối đi ngay dưới chân mình đã làm việc hết mình, "nhập một cách thẳng thừng vào mọi vai" – từ "vai" người sáng tác, đến giám đốc một công ty, đến "vai" dịch giả. Còn ở thời điểm này, "lối đi" chị nghĩ đến cho mình?
– Sau bảy năm làm kinh doanh, những trải nghiệm của tôi đã dày lên đáng kể, và tự dưng tôi lại muốn viết. Một trong những lý do khiến tôi nhận dịch Before I go to sleep là vì nhân vật chính trong đó vốn là một nhà văn, còn tác giả của tiểu thuyết này là người đã quyết định bỏ ngang một vị trí nhiều thu nhập để thực hiện bằng được ước mơ sáng tác tiểu thuyết của mình.
Nhà xuất bản Trẻ đã quyết định cho tôi một điểm tựa để "bẩy" lên ước muốn viết văn của tôi: tái bản Lối đi ngay dưới chân mình với một diện mạo thật mới mẻ. Hồi nãy tôi bảo với bạn rằng tôi không hồi hộp khi tác phẩm dịch đầu tay của tôi ra mắt, nhưng với truyện dài đầu tay và đầu tiên đã viết từ ngày xửa ngày xưa này, quả thật tôi có nhiều hồi hộp lắm. Lối đi ngay dưới chân mình phiên bản 2012 này chính là một phép thử! Thử rằng, nếu bạn đọc còn yêu mến, tôi sẽ bắt đầu viết văn trở lại…
Trong danh sách "101 điều My Hoàn muốn làm nhất trong đời" mà tôi đã lập nên, còn có một điều là viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết ấy là Bến hên.
LINH THOẠI thực hiện
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn