Sau tác phẩm Vạn xuân, Yvéline Féray nghĩ rằng không cần viết thêm một từ, một dấu chấm, một dấu phẩy nào nữa về Đại Việt và về cuốn tiểu thuyết mà bà đã cưu mang bảy năm, trải qua bao niềm vui và nỗi gian khó… Việt Nam luôn nằm ở dạng tiềm ẩn mà lần này dưới những nét đặc sắc của vị danh y thế kỷ XVIII Lê Hữu Trác (biệt hiệu Lãn Ông – Ông Lười) – một người coi thường vinh hoa phú quý để được buông mình theo thú lười. Với Lê Hữu Trác, tác giả đã đọc qua Thượng kinh ký sự và nhiều công trình nghiên cứu của các thầy thuốc người Pháp ca ngợi ông để từ đó hình thành nên những trang viết sinh động, giàu cảm xúc. Lê Hữu Trác là người theo triết lý vô vi của Lão giáo, đi sâu nghiên cứu y học và hết lòng với người bệnh, đào tạo học trò và mơ ước “mọi người đều có sức khỏe tốt để mình được hoàn toàn thảnh thơi ngâm thơ và uống rượu nơi chốn ẩn cư”… Trở lại thời gian cuộc hành trình chín tháng ở kinh đô Thăng Long; ta tưởng tượng thay cho ông một cuộc hành trình khác với chuyến đi mà ông đã kể trong Thượng kinh ký sự, đưa ông đến với người bệnh nhỏ tuổi – Thế tử Trịnh Cán mới 7 tuổi, sớm thông minh và rất mực khôn ngoan – một câu chuyện độc đáo. Chuyện về vị y sư đáng kính bị chao đảo bởi cuộc chiến đấu thầm lặng đầy hiểm nguy để giành lại sự sống từ trong cái chết… Để làm việc này, nữ văn sĩ đã nghiên cứu tất cả chi tiết của phần lịch sử tiểu thuyết, đắm mình vào thời kỳ được ghi lại trong Hoàng Lê nhất thống chí, ghi chép những sự kiện diễn ra ở Việt Nam từ những năm 1768 đến 1802, văn bản lịch sử nằm trong bộ tiểu thuyết của Ngô gia văn phái và đặc biệt trong thời kỳ Chúa Trịnh Sâm (thân sinh của Trịnh Cán). Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh chủ đề trung tâm “quyền lực và y học” qua hình tượng một vị danh y bị một trong hai phe nhóm đối nghịch có quyền lực là bà Chánh cung và Thế tử kế nghiệp muốn giữ ông làm con tin, buộc phải đem mạng sống của chính mình và cả gia đình ra bảo đảm cho thành công của việc chữa bệnh. Lịch sử được hấp thu vào cuốn truyện trong sự bí ẩn của mối liên kết lạ lùng, thắm thiết giữa vị lương y cao niên đã chiến đấu để tìm sự sống bằng tất cả kinh nghiệm của nền y học Trung – Việt trong việc chữa trị hàng ngày với cậu bé vương gia mắc phải chứng bệnh lạ và chết bởi sự cáo chung được báo trước của chính dòng họ mình… Bà Yvéline Féray đã thổ lộ tình cảm chân thành của một tác giả phương Tây qua tiểu thuyết Lãn Ông, hy vọng tái hiện được một Việt Nam thế kỷ XVIII với một Việt Nam quen thuộc và bình dị giống sự thật hơn cả sự thật thông qua bóng dáng một nhân vật lớn lao, người đã tìm thấy trong việc hành nghề y “nghệ thuật của lòng nhân nghĩa” và là Đạo mà các bậc hiền triết dấn thân vào…