Lần Đầu Thấy Trăng
Lần đầu thấy trăng viết về cuộc đời của nhóm ba học sinh cá biệt, với hành trình nỗ lực vượt lên chính mình, vượt thoát khỏi sự tha hoá để sống đúng nghĩa CON NGƯỜI.
Dẫu – Dị – Hậu – mỗi đứa một hoàn cảnh, một kiểu quậy nhưng giống nhau một điểm là rất dốt chữ. Chúng bị đùa qua đẩy lại để rồi hợp chung một lớp, với biệt danh “Dẫu – Dị – Hợm”. Điểm chung của ba đứa trẻ đều giống nhau ở cảnh gia đình bất hạnh, dù không đứa nào giống đứa nào; ở kết quả học tập đặc biệt tồi tệ ở trường Tiểu học, do cách dạy máy móc và chạy theo thành tích của những thầy cô trường Dương Đôi.
Tác giả đã đặt ba số phận, ba cảnh đời và bước trưởng thành của những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo trong không gian xã hội đang hàng ngày hàng giờ tha hoá: Trường học Dương Đôi với các giáo viên – diễn viên ngày càng giáo điều – Nhà trọ Tình với các cô gái điếm ngón nghề ngày càng chuyên nghiệp – và Lưu Manh tự, ngôi chùa – nhà của một ông thầy giáo đức độ ngày càng lánh xa cõi tục, sống cùng một ông già từng trải, lọc lõi trường đời. Nhà trường không dạy được ba đứa trẻ. Những người già cũng chỉ dạy chúng được một phần. Chính trường đời với những vấp váp, thất bại đã dạy những đứa trẻ dốt nát năm nào thành những con người “ngộ” ra cái chữ và giá trị của tri thức, giá trị người chân chính.
“Lần đầu thấy trăng” là một giá trị biểu tượng mang tính thanh lọc và đốn ngộ. Nhân vật nữ chính – là Dẫu – từ trong dốt nát, bùn nhơ, nhàu nhĩ đã thức tỉnh… chỉ sau một đêm trăng trò chuyện với người trai học thức, dịu dàng thích gọi tên cô là “Tự”, hiểu theo nghĩa là chữ: “Chữ dạy người ta hiểu biết”… Không phải tình yêu thức tỉnh cô, mà chính là lòng tự trọng của con người được đánh thức, được truyền dẫn và được cô… đốn “ngộ”.
Có thể coi Lần đầu thấy trăng là một cuốn tiểu thuyết luận đề được viết một cách quyết liệt và hấp dẫn về hành trình trở lại làm người của những con người có lương năng nhưng bị khuất lấp, bị hoàn cảnh làm cho tha hoá. Tiểu thuyết cũng đặt vấn đề rốt ráo về thực trạng giáo dục còn nhiều bất cập hiện nay với căn bệnh thành tích và chủ nghĩa giáo điều. Vấn nạn này không chỉ riêng ngành giáo dục mà nó luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, nếu ta đánh mất lương tri, lương năng và tình thương yêu giữa người với người.
Mời bạn đón đọc.
(Thethaovanhoa.vn) – Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét: "Đọc xong Lần đầu thấy trăng, thấy đúng là phải cải cách giáo dục". Cũng không quá khó hiểu, tác giả của tiểu thuyết ấy là Võ Diệu Thanh, một nhà giáo.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Lấy bối cảnh, đề tài trong ngành giáo dục, cuốn sách của Võ Diệu Thanh không chỉ kể câu chuyện trường lớp mà còn là bức tranh buồn của hiện thực xã hội.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn