Làm vợ
Làm mẹ
Làm nội trợ ở Đức liệu có gì khác?
Làm dâu nước Đức là những suy nghĩ và những câu chuyện nhỏ, “tự họa” chân dung Phan Hà Anh, chia sẻ những câu chuyện vui có buồn có của chính chị trong vai trò làm dâu, làm vợ và làm mẹ tại thành phố Lübeck xa xôi, thuộc CHLB Đức.
Trong thời đại @, những phụ nữ hiện đại suy nghĩ, cảm nhận thế nào về chuyện làm dâu, nhất là làm dâu nơi xứ lạ? Phan Hà Anh đã trả lời câu hỏi đó một cách hóm hỉnh, tự nhiên trong tự truyện Làm dâu nước Đức.
Tác giả đã mở đầu tự truyện bằng khung cảnh hài hước khi chồng và con gái đánh thức chị vào buổi sáng, rồi một tiếng sau, lúc chồng cùng “nàng công chúa bé nhỏ” rời khỏi nhà đi làm và đi học, chị lại nghe cậu con trai nghịch ngợm trên gác thét lên: “MAMA”. Sau chín năm làm nội trợ, Hà Anh không giấu nổi niềm tự hào là người giữ lửa gia đình: kiên nhẫn chờ chồng về nhà hàng tối để nấu ăn, mát-xa cho anh; dịu dàng chăm sóc và nhẫn nại dạy dỗ các con thành những đứa trẻ tự lập, nhân hậu; bên cạnh đó, thực lòng gần gũi, quan tâm đến mẹ chồng bởi bố chồng chị đã qua đời. Song, nàng dâu thời hiện đại trong tự truyện cũng không giới hạn mình giữa bốn bức tường, chị vẫn dành ra những giờ phút “hướng ngoại”: viết lách và giao lưu, trò chuyện với bạn bè trên trang web và facebook của chị, hoặc… học lái ô tô hay… bắt tay thực hiện một kế hoạch “dài hơi”: theo học lấy bằng ngôn ngữ và văn hóa Đức.
Hành trình làm vợ, làm mẹ của Phan Hà Anh ngập tràn hạnh phúc – là khi “ông xã” quyết định vượt cả chặng đường trường trở về để ăn một bát mỳ khuya vợ nấu, khi hai con Sophie Linh và Tim Long bắt đầu giúp mẹ làm việc nhà, hay lúc nhận món quà giản dị từ mẹ chồng: “Mẹ mua cho con đôi giày đi trong nhà. Đừng đi chân đất rồi lại viêm bàng quang”, v.v… Hành trình ấy cũng là rất nhiều lo toan, tính toán để giữ cho gia đình nhỏ có đủ những khoản chi tiêu cho con cái học hành, dự phòng đau ốm hay đi du lịch,… vì “người Đức đóng thuế rất cao”, kỷ luật nghiêm túc và có trách nhiệm cao với xã hội.
Quãng đường chín năm làm dâu xa xứ của Hà Anh tuy mới chỉ là một chặng đường chưa thật dài, nhưng xứng đáng được ghi nhận bởi chị phần nào đã tôn vinh và giới thiệu ra thế giới bên ngoài, cụ thể là với nước Đức những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, khéo léo, hết lòng vì chồng, vì con; đồng thời cũng mang những nét mới của phụ nữ thời hiện đại: hài hước, tự tin và có chí tiến thủ.
Trong tự truyện, Hà Anh cũng gửi gắm cả nỗi bâng khuâng về những ký ức ngày còn ở Việt Nam quê nhà cũng như nỗi buồn xa xứ man mác. Dường như, từ cảm xúc ấy, tác giả càng thêm trân quý những giá trị văn hóa của người Việt, gắn kết chúng với gia đình chồng và truyền cảm hứng đến các con: “Hôm nay là ngày 30 Tết, mình tỉnh giấc lúc 4 giờ 30 rồi không tài nào ngủ lại được. Lần đầu tiên mình bày mâm ngũ quả, ở chợ có trái nào thì mua trái đó. Đi ra đi vào, ngửi mùi hương bưởi thoang thoảng mà nhớ nhà. Con gái líu lo hát suốt ngày “Tết, Tết, Tết đến rồi”, đòi mặc áo dài, còn chơi trò đi thuyền”.
Bằng cách kể chuyện giản dị, tự nhiên, vừa hài hước, sôi nổi vừa pha nét suy tư, Hà Anh đã chia sẻ kinh nghiệm vun đắp một mái ấm nơi giao hòa hai nền văn hóa, quan điểm nuôi dạy con cái, cách ứng xử với gia đình chồng, v.v… đồng thời, bày tỏ tâm tư, tình cảm của những nàng dâu xa xứ.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn