Họ sẽ không sớm trở thành những người viết trẻ, nếu như cuộc đời họ xuôi theo những chiều bình lặng. Một người suốt bao nhiêu năm phải kiếm sống bằng nghề “bảo kê” nhà nghỉ, chứng kiến bao nhiêu cuộc đời bất hạnh để rồi khi rời môi trường cám dỗ ấy, anh đã viết nên những trang văn chở đầy những nỗi đau
Một người tìm đến văn chương mang theo một ám ảnh tuổi thơ day dứt. Rồi trong nỗi đau thể xác hành hạ vì căn bệnh hiểm nghèo, chị đã viết tác phẩm đầu tay trong suốt thời gian nằm viện.
Tốt nghiệp Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch, không đủ điều kiện thi vào khoa sáng tác văn học Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Văn Học phải chấp nhận đi làm, “nuôi chí” chờ khoa thi của 3 năm sau. Và cuộc mưu sinh đã đưa chân anh vào làm việc cho một nhà nghỉ, mà theo anh đó chính là “ổ chứa” nhơ nhớp. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những cô gái bán hoa, rồi nhiều lần lắng nghe tâm sự của biết bao thân phận, Nguyễn Văn Học đã bắt đầu chong đèn ngồi viết. Những tác phẩm ra đời tại nhà nghỉ mang tính hiện thực ngay từ cái tựa: Gái điếm, Người đàn bà đứng khóc, Những cô gái bất hạnh… Tác giả đã đưa vào trang viết những mảng đời rất thật, rất đau.
Và cũng từ một vốn sống “vô tình mà khốc liệt” ấy, Nguyễn Văn Học đã chọn mảng đề tài hiện thực cho đường văn của riêng mình. Anh đã thành công trước khi ước vọng được học tại khoa sáng tác văn học Trường ĐH Văn hóa Hà Nội của anh thành hiện thực. “Người ta nói trường đời quan trọng hơn bất cứ trường nào khác. Ở đó, nó dạy ta đủ thứ, phải biết sống làm sao. Nó có thể cho ta trở thành người thành đạt, cũng có thể giết chết ta. Vốn sống chính là những cái dù nhỏ bé nhất, nhưng biết nhận ra cái đẹp của nó hoặc cái chất đời ẩn trong đó”- Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Bước qua một quãng đường dài, bây giờ Nguyễn Văn Học đã là sinh viên chuyên ngành anh mơ ước. Anh vẫn miệt mài với đề tài hiện thực, hiện NXB Công an Nhân dân đang in tác phẩm Rơi xuống vực sâu của anh.
Vừa mới ra mắt, tác phẩm Lạc giới đã gây chú ý vì khai thác đề tài khá nhạy cảm, mà cũng vì tác giả lại là một cái tên lạ, lần đầu xuất hiện trước làng văn: Thủy Anna.
Câu chuyện nghiệt ngã về cuộc sống của nhân vật Sang trong truyện khiến người xem rùng mình. Chịu bao nhiêu bất hạnh trong đời, lại khao khát thoát khỏi cuộc sống nghèo đã khiến Sang bước vào ngõ tối bằng cách kiếm tiền từ việc “phục vụ” một người đàn bà hồi xuân.
Sẽ không ai nghĩ rằng tác phẩm được viết trong 6 tháng trời, khi tác giả Thủy Anna (tên thật là Nguyễn Thị Như Thủy) đang nằm điều trị trong bệnh viện sau ca phẫu thuật ung thư tuyến giáp – căn bệnh có thể lấy đi mạng sống của chị bất cứ lúc nào. “Với tôi, nghỉ ngơi là một điều xa xỉ”- Thủy bảo vậy. Chính vì thế mà chị đã viết, lấy hết ý chí của mình để viết.
Khi biết mình mắc bệnh, chị tưởng rằng cuộc đời chị như thế là chấm hết, tất cả sẽ kết thúc ở tuổi 26. Nhưng rồi người con gái của hội Lim đất Bắc Ninh đã cố gắng vượt qua tất cả những bất hạnh đến với mình như chính con bé Thủy 12 tuổi ngày xưa đã từng ngã gục trước cái tin “mẹ mày chết rồi” khi vừa đi học về đến đầu làng. Cái thanh âm đau đớn ấy đã đuổi theo Thủy suốt cả tuổi thơ, cho đến tận bây giờ. Cuộc sống phải là giấc mơ. Nhưng Thủy đã nỗ lực hết mình để đi theo giấc mơ văn của mình. Hiện tại, chị đã viết gần xong bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ 2, nói về bi kịch hôn nhân của giới trẻ.
Cuộc đời của Thủy Anna, nhường như hạnh phúc và bất hạnh luôn đi song hành. Chị nói: “Tôi phải tự chia sẻ với mình niềm vui, nỗi buồn của mình khi tôi còn là một đứa trẻ. Vì thế tôi chín chắn trước tuổi. Tôi vẫn mang theo lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho hành trình của đời mình: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? để gió cuốn đi…”. Và cũng chính vì “một tấm lòng” trọn vẹn với văn chương mà Thủy Anna đã cố gắng vượt qua nỗi đau riêng mình để đi tiếp hành trình với con chữ.
TIỂU QUYÊN
(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn