Ai đã từng đọc qua “Cạm bẫy người” chắc cũng nhận thấy rằng ngòi bút phóng sự của ông Vũ Trọng Phụng đã nói tới một độ rất cao trong nghệ thuật. Không những ngòi bút ấy đã ghi được sự thực, lai còn ghi được cả cái thực trạng của sự thực nữa: ghi được cái trạng thái biểu hiện trong chớp mắt, cái trạng thái phức tạp hỗn độn và bình dị linh hoạt của sự thực hàng ngày xô đẩy quanh mình.
Nếu phải giới thiệu thiên “Kỹ nghệ lấy Tây” về phương diện phóng sự, thì tài nghệ của tác giả trong những tác phẩm trên cũng đủ làm đảm bảo chắc chắn rồi. Nhưng đây không chỉ là một thiên phóng sự. Nó thuộc hàng những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng, có thể vạch phương hướng cho văn nghệ, giúp được tài liệu cho thế hệ sau khảo xét về giai đoạn hiện thời.
Thời buổi ấy gây cho chúng ta nhiều điều bi phẫn, nhưng đứng vào phương diện một nhà cầm bút, thì buổi đời lại mở ra được nhiều đất mới để vun trồng tài nghệ. Thời buổi ấy chứng kiến một biến đổi lạ lùng, không có hai trong lịch sử. Chỉ trong vòng ngoài năm mươi năm, bao nhiêu lề thói, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hình dạng của bốn nghìn năm, phải phá huỷ đi gần hết. Vậy hiện tượng của cuộc biến đổi ấy như thế nào, sức xung đột của Đông Tây ảnh hưởng vào đời sống vật chất và tinh thần của xã hội ra sao, há chẳng phải là những điều nên mô tả cho đời sau biết ư?
Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử, nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét, suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi?
Kỹ nghệ lấy Tây – Cơm thầy cơm cô là những tác phẩm như thế!