Kinh tế lượng là một môn khoa học trong đó áp dụng các công cụ lý thuyết kinh tế toán học và suy đoán thống kê để phân tích các vấn đề kinh tế. Nếu như kinh tế vĩ mô mô tả sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, kinh tế vĩ mô mô tả hành vi của người sản xuất và tiêu dùng thì kinh tế lượng trang bị cho nhà kinh tế một phương pháp lượng hóa và phân tích sự vận động và các hành vi trên để đưa ra mô hình phù hợp nhất cho một hiện tượng kinh tế nào đó.
Chính vì vậy từ khi ra đời cho đến nay, kinh tế lượng đã đem lại cho các nhà kinh tế một công cụ đo lường sắc bén để đo lường các quan hệ kinh tế. Ngày nay phạm vi sử dụng của kinh tế lượng đã vượt quá phạm vi kinh tế, đã lan sang các lĩnh vực khác như xã hội học, vũ trụ học…
Sự đòi hỏi của kinh tế lượng trong phân tích định lượng các hiện tượng kinh tế, kiểm định sự phù hợp và độ tin cậy của các giả thiết trong quá trình hoạch định các chính sách vĩ mô cũng như ra các quyết định tác nghiệp, việc dự báo và dự đoán có độ tin cậy cao…, tất cả những điều đó đã làm cho kinh tế lượng có một vai trò ngày càng quan trọng và bản thân nó cũng không ngừng được phát triển hoàn thiện.
Sự phát triển của máy tính điện tử trong khoa học nói chung và kinh tế lượng nói riêng đã làm tăng sức mạnh của kinh tế lượng. Chính điều này giúp các nhà kinh tế kiểm chứng được các lý thuyết kinh tế có thích hợp hay không, dẫn tới những quyết định đúng đắn đem lại hiệu quả tối ưu cho các hoạt động kinh doanh, hoạch định được các chính sách và chiến lược tốt trong kinh tế xã hội.
Khi nghiên cứu cơ sở Kinh tế lượng ta sẽ thực sự thấy say mê và hứng thú. Việc tìm hiểu phương pháp luận của Kinh tế lượng giúp chúng ta tìm được mô hình tổng quát của một hoạt động kinh tế dựa trên những bộ số liệu đầu vào, tìm ra mối quan hệ giữa các số liệu đầu vào, phân tích đánh giá để tìm mô hình đúng đắn và sát thực cho hoạt động kinh tế. Thông qua đó, ta sẽ biết quá trình vận động, quá trình tương tác lẫn nhau giữa các hiện tượng kinh tế, cũng như các hiện tượng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Nội dung giáo trình bao gồm 6 chương
Chương 1: Những khái niệm cơ bản và phương pháp luận của kinh tế lượng
Chương 2: Mô hình hồi quy hai biến, ước lượng và kiểm định giả thuyết
Chương 3: Hồi quy bội
Chương 4: Một số trường hợp mở rộng của hồi quy bội
Chương 5: Quy hoạch trực giao
Chương 6: Áp dụng mô hình hồi quy vào phương pháp ngoại suy để dự báo.
Phụ lục
Phụ lục 1: Đưa vào các bảng phân vi cần dùng
Phụ lục 2: Chương trình giải bài toán Kinh tế lượng
Phụ lục 3: Một số kết quả tính toán trên máy tính.
Mời bạn đón đọc.