Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam – Lý Bát Đế:
Triều Lý, khởi nghiệp từ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) truyền tới Lý Hạo Sảm (Lý Huệ Tông) kéo dài 214 năm, bao gồm 8 vị vua cầm quyền mà dân gian quen gọi là Lý Bát đế. Cách gọi này của dân gian ngụ ý không kể tới vị nữ vương Lý Chiêu Hoàng, mới có 9 tuổi, lên ngôi trên danh nghĩa trong một thời gian ngắn, mọi việc triều chính chủ yếu do Trần Thủ Độ cùng các quan đại thần nắm giữ. Điều này dẫn đến cuộc đảo chính êm ả giành ngôi vị dưới bàn tay đạo diễn của Thái sư họ Trần, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, và lịch sử đã sang trang với sự phát triển, hưng thịnh của một vương triều mới.
Nhìn lại lịch sử, 8 vị vua triều Lý đã có công lớn đối với dân tộc, đặc biệt là vị vua đầu triều khi ông quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La rồi định đô ở Thăng Long. Đây là một nơi có thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông, tây, tiện nghi núi sông sau trước, một nơi tươi tốt, phồn thịnh, đáng là kinh đô mãi mãi muôn đời để tư đó, đất nước ta cất cánh bay lên. Nhà vua tỏ ra có cái nhìn văn hoá, địa lý, lịch sử, con mắt kinh tế của bao quát sâu xa, và việc dời đô này đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc.
Các vua Lý cho xây nhiều cung điện, đền chùa, đắp lại La Thành, xây thêm hoàng thành, cấm thành. Cả nước chia thành 24 lộ, dưới là các huyện (quận), hương (giáp) và lập ra các châu ở miền núi. Các vua Lý rất chú trọng phát triển nông nghiệp, cho đắp đê Cơ Xá và thường cày tịch điền để động viên dân chúng gắng sức làm nghề nông.
Về văn hoá – giáo dục, các vua Lý đã tổ chức thi để tuyển chọn quan lại và khoa thi minh kinh bác học được tổ chức lần đầu tiên dưới triều Lý nhằm tìm ra hiền tài giúp nước. Văn Miếu – trung tâm văn hóa giáo dục cũng được lập ra dưới triều này. Nhà Lý còn thường xuyên chăm lo phát triển khối đoàn kết dân tộc, gả các công chúa cho các tù trưởng nhằm mở mang bờ cõi, tạo nên phên dậu, giữ vững biên giới, chống ngoại bang xâm lấn, cướp đất. Cùng với việc xây dựng đất nước, nhà Lý còn có công tổ chức kháng chiến chống Tống thắng lợi và mở một lãnh thổ xuống phía Nam. Sau này, miếu thờ 8 vị vua đời Lý được gọi là đền Lý Bát đế hay đền Đô, ở xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi phát tích của họ Lý Ngôi đền này đã được dân chúng bao đời hương khói quanh năm.
Cuốn sách “Lý Bát đế” kể về cuộc đời của tám vị vua triều Lý, các câu chuyện dã sử, truyền thuyết về một số địa danh và nhân vật lịch sử triều Lý.
Mục lục:
Lời nói đầu
Phần I: Các vị vua triều Lý
Phần II: Dã sử và truyền thuyết triều Lý
Mời bạn đón đọc.